Ngày 14/6, đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết trong tự nhiên có nhiều loại nấm mang độc chất Amanitin, song các bác sĩ chưa thể xác định chính xác loại nấm nào gây ngộ độc. Lý do người chồng hái cùng lúc nhiều loại nấm và đã dùng hết, cần điều tra thêm.
Tạp chí Nature trích dẫn ý kiến của Helge Bode, nhà hóa học tại Viện Vi sinh vật trên cạn Max Planck, Đức, rằng Amanitin toxin (còn gọi alpha-amanitin) là một trong những hợp chất nguy hiểm nhất có trong tự nhiên, không thể loại bỏ sau khi nấu chín, đun sôi hay bất kỳ phương pháp nấu ăn thông thường nào. Chất này thường gặp trong nấm mũ tử thần (Amanita phalloides).
Sau khi ăn nấm, khoảng 60% alpha-amanitin sẽ di chuyển trực tiếp đến gan, khiến bộ phận này bị nhiễm độc. 40% alpha-amanitin còn lại đi thẳng đến thận – cơ quan xử lý chất thải trong cơ thể. Thận khỏe mạnh chiết xuất alpha-amanitin từ máu và đưa chúng đến bàng quang. Cho đến khi thận thải hết lượng chất độc cuối cùng, alpha-amanitin tiếp tục gây hại cho gan. Thận chỉ có thể tiếp tục hoạt động nếu nạn nhân được cung cấp đủ nước.
Nếu bệnh nhân bị mất nước, các triệu chứng có thể thuyên giảm, song chất độc tiếp tục ngấm ngầm lan trong cơ thể, phá hủy lá gan. Trường hợp không được điều trị kịp thời, đúng cách, nạn nhân có thể bị suy nội tạng nhanh chóng, hôn mê và tử vong.
Trước đó, gia đình ba người gồm chồng vợ và con gái 17 tuổi, ở Tây Ninh, hái nấm và xào với mướp ăn, khoảng 8-12 giờ sau đau bụng, nôn ói, tiêu chảy mức độ ngày càng nặng. Họ được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu, chuyển Bệnh viện Chợ Rẫy. Trong quá trình di chuyển, người chồng khó thở, suy hô hấp, được đặt nội khí quản, bóp bóng, tử vong tại khoa Cấp cứu.
Người vợ cùng con gái 17 tuổi, trong tình trạng suy gan cấp, men gan tăng rất cao, rối loạn đông máu. Tình trạng người phụ nữ ngày càng nặng hơn, sau ba ngày điều trị, bác sĩ tiên lượng không qua khỏi nên gia đình xin đưa về và đã tử vong tại nhà. Sức khỏe người con cải thiện hơn, cũng xin xuất viện theo nguyện vọng được về nhà nhìn mặt mẹ lần cuối.
Gia đình họ có thói quen hái nấm khi mùa mưa đến, đã ăn nấm nhiều lần nhưng chưa từng bị ngộ độc.
Mùa mưa là thời điểm nấm phát triển nhiều, nhiều người ăn nên hay xảy ra các vụ ngộ độc. Bác sĩ khuyến cáo do không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc, nên người dân tuyệt đối không hái nấm hoang dại để ăn.
Mỹ Ý