U.22 Việt Nam cần tiền đạo giỏi
Dấu ấn của cá nhân tiền đạo Nguyễn Xuân Son trên hành trình vô địch AFF Cup 2024 của đội tuyển Việt Nam đã cho thấy, việc có một chân sút đẳng cấp để định hình lối chơi quan trọng ra sao. Một tiền đạo toàn năng có thể giải quyết rất nhiều vấn đề, và để U.22 Việt Nam chinh phục SEA Games, HLV Kim Sang-sik cần “ngọc quý” trên hàng công.
U.22 Việt Nam từng vô địch SEA Games 30 với bộ đôi Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh ghi bàn hiệu quả (có tổng cộng 12 pha lập công). Sau đó đến SEA Games 31, dù hàng tấn công không còn ghi bàn bùng nổ, nhưng U.22 Việt Nam bảo vệ thành công tấm HCV nhờ hàng phòng ngự chắc chắn (sạch lưới cả giải).
Nhưng, không vì thế mà tầm quan trọng của cầu thủ tấn công giảm đi. HLV Park Hang-seo đã dành một trong ba suất cầu thủ quá tuổi cho Tiến Linh, để rồi tiền đạo sinh năm 1997 đáp lại niềm tin với những bàn thắng rất quan trọng vào lưới U.22 Indonesia (vòng bảng) hay U.22 Malaysia (bán kết) để mở đường đến ngai vàng.
Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế rằng bóng đá Việt Nam thiếu tiền đạo giỏi. Cấp độ đội tuyển quốc gia tìm “mỏi mắt” những năm qua chỉ thấy Tiến Linh, trước khi nhập tịch Xuân Son bởi cũng không còn giải pháp nào khác. Với U.22 Việt Nam, vấn đề còn trầm trọng hơn bởi các chân sút trẻ lâu nay không có đất dụng võ ở V-League.
Bùi Vĩ Hào ra sân thường xuyên ở V-League. Ở tuổi 21, anh đã chơi 74 trận (49 trận đá chính), ghi 8 bàn. Song, Vĩ Hào là tiền đạo cánh. Dù đã thể hiện tiềm năng khi được ra sân 6 trận trong màu áo tuyển tại AFF Cup 2024, nhưng Vĩ Hào chưa ở tầm có thể dẫn dắt lối chơi. Những pha xử lý của chân sút sinh năm 2003 còn nguyên sự non nớt, vụng về cần cải thiện.
Tín hiệu không vui là ngoài Vĩ Hào, các tiền đạo khác của ông Kim ở độ tuổi U.22 đều mờ nhạt trong thời gian qua. Nguyễn Văn Trường là cầu thủ thường xuyên đá trung phong ở các cấp độ U.19 và U.22 từ năm 2022 đến nay. Anh cũng được HLV Kim Sang-sik thử nghiệm ở đội tuyển Việt Nam trong đợt tập trung tháng 9.2024, nhưng màn thể hiện chưa đủ thuyết phục. Tại CLB Hà Nội, Văn Trường mới đá chính 5 trận mùa này (chưa ghi bàn).
Một chân sút tiềm năng khác là Nguyễn Đình Bắc đang được HLV Alexandre Polking trao cơ hội ở CLB Công an Hà Nội (8 trận đá chính trên mọi đấu trường, ghi 2 bàn). Đình Bắc có thể hình tốt với chiều cao 1,79 m, cùng kinh nghiệm khoác áo tuyển từ năm 2023. Dù vậy, sự chững lại trong năm 2024 có thể là trở ngại, khiến cựu tiền đạo Quảng Nam phải nỗ lực nhiều hơn. Tiền đạo U.22 sáng giá còn lại của HLV Kim Sang-sik là Nguyễn Quốc Việt thực ra cũng chưa chứng tỏ được gì ở V-League và hạng nhất.
Cuộc sàng lọc của thầy Kim
HLV Kim Sang-sik đã dùng tiền đạo nhập tịch để giải cơn khát bàn thắng cho đội tuyển Việt Nam. Nhưng ở độ tuổi U.22, các cầu thủ Việt kiều sáng giá lúc này như Viktor Lê, Zan Nguyễn đều không phải tiền đạo.
Các chân sút như Đình Bắc, Quốc Việt, Văn Trường và Vĩ Hào vẫn sẽ là điểm tựa của U.22 Việt Nam. Trừ khi ông Kim tìm ra nhân tố mới, nếu không, phải chờ đợi những nhân tố cũ tự vượt lên chính mình trong khoảng thời gian 10 tháng còn lại trước SEA Games.
Nhìn chung, cơ hội bứt phá của các chân sút vẫn rất rõ ràng. Vĩ Hào đã đi từ vị trí dự bị ở U.23 Việt Nam lên đá chính ở đội tuyển quốc gia chỉ trong 6 tháng. Các cầu thủ trẻ luôn tiềm ẩn năng lượng bứt phá khó lường. Tuy nhiên, năng lượng ấy cần được tích lũy bằng quãng thời gian ra sân thường xuyên ở CLB. Nếu dự bị, cầu thủ khó duy trì cảm giác chơi bóng.
HLV Kim Sang-sik sẽ tận dụng các đợt tập trung tới của U.22 Việt Nam để tìm kiếm và thử nghiệm nhân tài. Nếu không tìm được chân sút ưng ý, nhà cầm quân người Hàn Quốc sẽ xây dựng hệ thống chiến thuật phù hợp với con người hiện có. Tài “liệu cơm gắp mắm” của HLV Kim Sang-sik sẽ được thể hiện ở SEA Games 33.
Nguồn: https://thanhnien.vn/u22-viet-nam-tim-chan-sut-gioi-cho-sea-games-tieu-xuan-son-o-dau-18525020309254717.htm