(CLO) Tiểu hành tinh 2024 YR4, được đặt biệt danh là “sát thủ thành phố”, đang khiến giới khoa học lo ngại khi có 1/43 (2,3%) khả năng va chạm với Trái đất vào ngày 22/12/2032.
Với đường kính 40 – 90 mét, nó có thể gây ra vụ nổ tương đương nhiều quả bom hạt nhân nếu lao vào bề mặt hành tinh. Nguy cơ này khiến các nhà thiên văn học gấp rút nghiên cứu phương án ứng phó, vì thời gian để hành động đang cạn dần.
Tiểu hành tinh này chỉ mới được phát hiện vào ngày 27/12/2024 bởi hệ thống ATLAS của NASA và ngay lập tức lọt vào danh sách các vật thể nguy hiểm của Trung tâm Nghiên cứu Vật thể Gần Trái đất (CNEOS).
Quan sát gần đây nhất, thực hiện vào ngày 7/2 bằng kính viễn vọng Gemini South ở Chile, cho thấy nó có kích thước khoảng 54 mét – tương đương một tòa tháp lớn.
![tieu hanh tinh sat thu ngay cang gan trai dat con nguoi co du thoi gian ngan chan hinh 1](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Tieu-hanh-tinh-ngay-cang-gan-Trai-dat-co-du.jpg)
Tiểu hành tinh 2024 YR4 được kính thiên văn Gemini South 8,1 mét nhìn thấy vào ngày 7/2. Ảnh: LPL
Hiện tại, 2024 YR4 đang cách Trái đất khoảng 59,5 triệu km. Đến năm 2025, nó vẫn quá mờ để theo dõi bằng kính thiên văn mặt đất. Các nhà khoa học chỉ có thể quan sát lại vào năm 2028, khi nó tiếp cận Trái đất một lần nữa.
Điều này đồng nghĩa với việc có khoảng ba năm “mù quáng”, không thể tinh chỉnh quỹ đạo của nó. Nếu đến năm 2028, dữ liệu mới xác nhận nguy cơ va chạm, sẽ gần như không còn đủ thời gian để thực hiện bất kỳ nhiệm vụ làm chệch hướng nào.
Một trong những phương án khả thi là sử dụng phương pháp DART, vốn đã thành công vào năm 2022 khi dùng tàu vũ trụ tấn công làm chệch hướng quỹ đạo của tiểu hành tinh Dimorphos.
Tuy nhiên, 2024 YR4 có thể là một “đống đổ nát” – tập hợp các mảnh đá liên kết lỏng lẻo. Nếu đâm vào nó bằng một tàu vũ trụ, thay vì làm thay đổi quỹ đạo, có nguy cơ tiểu hành tinh này sẽ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, và vẫn tiếp tục lao về Trái đất theo nhiều hướng khác nhau.
Một lựa chọn khác là sử dụng vũ khí hạt nhân để làm chệch hướng nó. Cách này có thể tạo ra lực đẩy mạnh hơn, nhưng cũng đi kèm với rủi ro lớn. Nếu phát nổ quá gần, nó có thể làm vỡ tiểu hành tinh thành hàng trăm mảnh nhỏ, dẫn đến một thảm họa quy mô lớn hơn.
Ngoài ra, các hiệp ước quốc tế nghiêm cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân trong không gian, khiến phương án này trở thành một lựa chọn đầy tranh cãi.
Các nhà khoa học đang tận dụng khoảng thời gian còn lại trước năm 2028 để thu thập thêm dữ liệu về 2024 YR4. Kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) dự kiến sẽ tham gia quan sát vào tháng 3/2025 nhằm cung cấp thêm thông tin về thành phần và cấu trúc của nó.
Nếu nguy cơ va chạm vẫn ở mức cao, các cơ quan vũ trụ có thể phải gấp rút triển khai một nhiệm vụ làm chệch hướng ngay từ trước năm 2028.
Với đồng hồ đang đếm ngược đến năm 2032, cuộc đua để ngăn chặn một thảm họa tiềm tàng đang ngày càng trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
Hoài Phương (theo Space, Daily Galaxy)
Nguồn: https://www.congluan.vn/tieu-hanh-tinh-sat-thu-ngay-cang-gan-trai-dat-con-nguoi-co-du-thoi-gian-ngan-chan-post334623.html