(Bqp.vn) – Sáng 3/4, tại Hà Nội, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Ban Chỉ đạo 701) tổ chức Phiên họp đánh giá kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701 chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Lê Công Thành, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại biểu lãnh đạo một số cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, đại biểu các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
Quang cảnh phiên họp.
Tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung đánh giá công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt Nam năm 2023; những thuận lợi, khó khăn, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác này trong năm 2024.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu tại phiên họp, thay mặt Bộ Quốc phòng – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 701, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương trong tổ chức thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh ở Việt Nam; ghi nhận, biểu dương các cơ quan, đơn vị đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian qua. Qua đó thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong thực hiện mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ được Chính phủ giao, nhằm giảm thiểu tác động đến con người, môi trường, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh. Trong đó, tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý về khắc phục hậu quả sau chiến tranh, nhất là xây dựng Pháp lệnh Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; tổ chức triển khai nhiệm vụ với tinh thần quyết tâm, quyết liệt hơn nữa, theo hướng mở rộng, có giải pháp đột phá, mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn; đề cao trách nhiệm chính trị của các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là của Ban Chỉ đạo 701, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng tập thể, cá nhân.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cũng lưu ý cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông theo hướng đa dạng, phong phú, chuyên nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp thực tiễn; tích cực hợp tác quốc tế, vận động, huy động tối đa nguồn lực; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học đối với con người, môi trường ở Việt Nam. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án về xử lý đi-ô-xin, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc hóa học, bom mìn, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải; đồng thời, tăng cường phối hợp với các Ban, Bộ, ngành, địa phương đề xuất các giải pháp, xây dựng các chương trình, dự án chăm lo, bảo vệ sức khỏe, bảo đảm việc làm cho nạn nhân theo hướng mở rộng đối tượng, nâng mức hỗ trợ.
Các đại biểu tham dự phiên họp.
Trong năm 2023, các Ban, Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt Nam, góp phần phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, đã khảo sát, rà phá, xử lý bom mìn, vật nổ trên địa bàn một số tỉnh với diện tích khoảng 40.500 héc-ta; giải phóng, bàn giao cho địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng khoảng 12 héc-ta đất nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin sau xử lý tại sân bay A So (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) và sân bay Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); xử lý gần 300 tấn chất độc CS, sản phẩm thủy phân chất độc CS và vật liệu nhiễm chất độc CS… Cùng với đó, các chính sách, quy định về giải quyết chế độ, ưu đãi cho nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học/đi-ô-xin tiếp tục được triển khai thực hiện hiệu quả. Dự án hợp tác Việt Nam – Hoa Kỳ hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin tại 8 tỉnh bị phun rải nặng chất da cam tiếp tục được thực hiện theo đúng kế hoạch; xây dựng và phê duyệt dự án chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với người khuyết tật, nạn nhân chất độc hóa học/đi-ô-xin và người cao tuổi dựa vào cộng đồng giai đoạn 2024 – 2028 tại 12 tỉnh, thành phố. Công tác thông tin, tuyên truyền trong lĩnh vực này được đẩy mạnh, góp phần lan tỏa kết quả và nâng cao nhận thức về công tác khắc phục hậu quả bom mìn, chất độc hóa học sau chiến tranh.
Nguyễn Bằng – Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng