Tiền Giang đang đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho các ngư dân và các cấp, các ngành có liên quan.
Các tàu, thuyền tuân thủ việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. (Nguồn: tiengiang.gov.vn) |
Tiền Giang có nghề khai thác hải sản truyền thống giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho nhân dân những địa bàn duyên hải phía Đông, tập trung ở các địa phương như: Gò Công Đông, Gò Công Tây, thành phố Mỹ Tho.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Ban Chỉ đạo phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) tỉnh Tiền Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền về chống khai thác IUU bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho các ngư dân và các cấp, các ngành có liên quan về phòng, chống khai thác IUU gắn với phát triển bền vững nghề đánh bắt hải sản vừa bảo vệ được nguồn lợi.
Đặc biệt là tăng cường công tác tuyên truyền cũng như thực hiện tốt các biện pháp giám sát chủ động như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá nhằm ngăn chặn kịp thời các tàu cá Tiền Giang vi phạm vùng biển nước ngoài trong quá trình hành nghề. Qua đó, đảm bảo được hiệu quả, góp phần cùng cả nước nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC).
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã phối hợp cùng các đơn vị hữu quan tổ chức tuyên truyền về các văn bản pháp luật quy định về cống khai thác IUU, xử lý vi phạm hành chính trong vi phạm IUU…cho hàng trăm lượt chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá trong tỉnh.
Từng địa phương có nghề khai thác hải sản phát triển cũng chung tay triển khai những biện pháp hữu hiệu phòng, chống khai thác IUU; trong đó, huyện Gò Công Đông đã tổ chức tuyên truyền 342 cuộc; phát thanh trên sóng phát thanh 244 cuộc; tuyên truyền lồng ghép trong các cuộc họp 100 cuộc thu hút hàng ngàn lượt người dự. Thành phố Mỹ Tho tổ chức 22 cuộc tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân và các đối tượng có liên quan, thu hút gần 700 lượt người.
Tỉnh Tiền Giang còn thành lập Tổ kiểm tra nhiệm vụ chống khai thác IUU; tiếp tục thực hiện việc cấp mới, chuyển đổi hạn ngạch cấp Giấy phép khai thác thủy sản cho tàu cá theo quy định. Đồng thời, thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành giữa các ban, bộ, ngành và Ủy ban nhân dân 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển trong trao đổi, xử lý thông tin nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Địa phương cũng giao các các phường, xã có nghề truyền thống khai thác hải sản xác minh các trường hợp tàu cá mất tín hiệu giám sát hành trình trên biển trên 10 ngày và xác minh các trường hợp tàu cá vượt ra ngoài ranh giới cho phép trên biển để có giải pháp xử lý nghiêm theo qui định pháp luật.
Mặt khác, chủ tàu cá tham gia ký cam kết không khai thác hải sản trên vùng biển nước ngoài và cam kết không vi phạm về cấm khai thác các loài động vật, thực vật biển của Việt Nam và quốc tế đối với những chủ tàu cá chưa thực hiện cam kết.
Ngoài ra, thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân; ưu tiên bố trí nguồn lực, trang thiết bị và nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện nay, tỉnh còn 75 tàu chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 4 tàu bị chìm, cháy nhưng chưa thực hiện xóa đăng ký, 3 tàu chuyển tỉnh chưa sang tên và 68 tàu đậu bờ chưa đi khai thác.
Ghi nhận của ngành chức năng địa phương cho thấy, trong năm 2022 và 7 tháng đầu năm 2023, Tiền Giang không ghi nhận thông tin tàu cá của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ.