Sáng 6/5, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 04 tháng đầu năm 2023, kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ TP. Hà Nội; xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.
Cùng chủ trì cuộc làm việc có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và TP. Hà Nội.
Cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nằm trong chương trình làm việc của các thành viên Chính phủ với các địa phương nhằm nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Trước đó, ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM.
Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa-xã hội của cả nước.
Với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2, Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người. Hà Nội hiện là một trung tâm kinh tế lớn, đóng góp gần 13% GDP của cả nước, 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.
Trong 4 tháng đầu năm 2023, TP. Hà Nội đạt kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. GRDP quý I năm 2023 tăng 5,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng trên địa bàn gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ.
Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%)-đây là tỉ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ).
Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô. Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022.
An sinh xã hội được đảm bảo; tổ chức tốt công tác chăm lo và các hoạt động Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Giá trị văn hóa và con người Hà Nội được quan tâm, đầu tư, phát huy.
Về kết quả thực hiện giữa kỳ Đại hội XVII của TP. Hà Nội, Thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Năm 2022, GRDP tăng trưởng 8,89%.
Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm…
Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về cuộc làm việc.
Baochinhphu.vn