Tết Ất Tỵ 2025 lại đến. Những ngày này đến trường, nhiều thầy cô có cùng tâm sự: “Tết đến là thêm nhiều nỗi lo!”.

Có cô giáo chia sẻ: Việc sắm thêm bộ quần áo mới cho con là không thể thiếu vì 3 ngày Tết về thăm ông bà, họ hàng, ai nỡ lòng nào để con mặc đồ cũ! Chuyện sắm đồ cúng lễ 3 ngày Tết cũng khá tốn kém, chưa kể ăn uống cũng phải “thịt muối dưa hành câu đối đỏ. Cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” hay ít ra “ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”… Rồi chuyện phải chuẩn bị ít tiền để lì xì bố mẹ, con cháu cũng là nỗi lo của không chỉ riêng ai.

Nói như vậy là hiểu được nỗi lòng của thầy cô, lo không có tiền để chi tiêu ba ngày Tết. Thật vậy, ngày Tết có nhiều thứ cần thêm tiền nhưng thầy cô chỉ sống bằng lương, không có thu nhập gì thêm. Ở các doanh nghiệp nhà nước, tư nhân thì ngoài lương, ngày Tết người lao động còn được tiền thưởng, tháng lương thứ 13 hay tiền thu nhập tăng thêm nên cũng đỡ phần nào.

Riêng ngành giáo dục, đến nay trải qua hơn 38 năm công tác, sắp được về hưu, tôi chưa bao giờ được biết tiền thưởng Tết là gì. Nói cách khác giáo viên không có khái niệm về “tháng lương thứ 13”.

Ở một số ít trường, nếu chi tiêu tiết kiệm, cuối năm còn dư ít tiền chia cho giáo viên 1-2 triệu đồng gọi là “lấy lộc”. Còn thầy cô công tác ở miền núi, do điều kiện cơ sở vật chất nhà trường còn thiếu thốn nên ngân sách chủ yếu là để trả lương, mua sắm trang thiết bị phục vụ dạy học. Chi phí này còn không đủ, tiền đâu tiết kiệm để thưởng Tết cho thầy cô vào cuối năm?

Nhiều thầy cô mong ngành giáo dục sớm tham mưu với Chính phủ quy định tiền thưởng Tết cho giáo viên được luật định như các doanh nghiệp để khuyến khích, động viên tinh thần thầy cô qua một năm giảng dạy bằng tháng lương thứ 13. Cũng có một số thầy cô an ủi với nhau ‘đã tăng lương cơ sở từ mức 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,43 triệu đồng (tức tăng 30%) từ 1/7/2024, như vậy cũng tạm đủ sống’.

Nói về khoản tiền tiết kiệm chi vào dịp cuối năm cho giáo viên cũng có nhiều tâm tư bởi trường có trường không, giáo viên có, giáo viên không. Vì sao có tình trạng như vậy? Lý do được một số hiệu trưởng lý giải là lâu nay không có văn bản pháp lý nào quy định bắt buộc phải thưởng Tết cho giáo viên, việc có thưởng hay không tùy vào kế hoạch chi tiêu nội bộ từng trường. Nếu trường nào có kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, cuối năm có dư chia cho giáo viên, ngược lại nếu không còn dư thì giáo viên cũng chỉ biết “ngậm ngùi”. Vì thế, có trường giáo viên được năm ba triệu, có trường thầy cô không có đồng nào là vậy.

Còn việc chia tiền tiết kiệm mỗi trường cũng mỗi khác. Có trường chia đều một mức cho tất cả như nhau, từ hiệu trưởng đến giáo viên, nhân viên. Cũng có trường chia theo mức đánh giá hoàn thành nhiệm vụ cuối năm hoặc theo chức vụ vị trí việc làm. Theo cá nhân tôi, nếu có khoản tiết kiệm chi, nên chia đều cho tất cả cán bộ giáo viên nhân viên một mức trong toàn trường là hợp lý. Vì đây là tiền tiết kiệm chi còn dư, không phải tiền khen thưởng Tết.

Hiện nay, một số trường ở TPHCM đã thực hiện Quy chế tiền thưởng theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của cán bộ công chức viên chức. Nếu hiệu trưởng các trường xây dựng quy chế khen thưởng theo quy định của Nghị định có hiệu lực từ 1/7/2024 này thì giáo viên sẽ được khen thưởng khi có thành tích đột xuất, khen thưởng định kỳ… Như vậy cũng có nghĩa thầy cô giáo sẽ có khoản thưởng Tết (dương lịch, Nguyên đán). Rất mong các trường quan tâm thực hiện để giáo viên “vui như ba ngày Tết”.

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)

Trường tư đầu tiên ở Hà Nội công bố thưởng Tết cao nhất hơn 35 triệuMới đây, đại diện Trường THCS&THPT M.V.Lômônôxốp cho biết trường này đã quyết định mức thưởng Tết cho giáo viên năm nay với mức cao nhất 35 triệu.