Dùng Tamiflu cần đúng thời điểm, đúng đối tượng
Hiện số ca mắc cúm vẫn tiếp tục gia tăng, thậm chí đã xuất hiện ổ dịch cúm mùa trong trường học. Không ít người tự ý sử dụng thuốc điều trị cúm Tamiflu khi bản thân hoặc người trong gia đình (kể cả trẻ nhỏ) khi thấy có các dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi. Trong khi đó tại nhiều cơ sở y tế cũng đã ghi nhận nhiều ca cúm bội nhiễm sau khi người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị.

Người dân không tự ý dùng thuốc Tamifflu khi thấy các dấu hiệu ho, sốt (ảnh minh họa).
BS Đồng Phú Khiêm, Phó giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, thuốc kháng virus cúm chỉ có lợi ích với những người bị cúm nặng (đã nhập viện), hoặc bị cúm và có yếu tố nguy cơ bị nặng và cần được bác sĩ đánh giá và kê đơn.
Còn theo ông Châu Thanh Tú, Dược sĩ trưởng Hội đồng chuyên môn dược, Hệ thống nhà thuốc và trung tâm tiêm chủng FPT Long Châu, “đa phần bệnh cúm thường tự khỏi sau 5-7 ngày có trường hợp lâu hơn 1-2 tuần tùy theo sức đề kháng của mỗi người. Không phải ai cũng cần dùng Tamiflu. Một số người bệnh có bệnh lý nền mắc phải (tim mạch, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…) cần dùng thuốc đúng chỉ định”.
Chuyên gia này khuyến cáo, việc tự ý sử dụng Tamiflu có thể gây hại cho sức khỏe. Việc này cũng giống như trước kia dịch SARS-CoV-2 một số người dân lạm dụng thuốc Molnupiravir mà không tham khảo ý kiến hay có sự kê đơn của bác sĩ dễ dẫn đến nhiều hệ lụy.
Việc dùng thuốc không đúng thời điểm bệnh, không đúng đối tượng được phép sử dụng: Trẻ quá nhỏ mà không chọn dạng dùng hay hướng dẫn sử dụng phù hợp; một số đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, người suy gan, suy thận phải hết sức thận trọng; thiếu liều dễ dẫn đến kháng thuốc.
Có trường hợp dùng đúng liều nhưng bị hoang mang khi gặp phải tác dụng không mong muốn và cả tác dụng phụ; tương tác thuốc với các thuốc đang dùng cho một số bệnh đang mắc phải (bệnh nền), nhất là đối với người cao tuổi và rủi ro tai biến khi dùng thuốc rất nguy hiểm. Nếu dùng thừa liều dễ dẫn đến ngộ độc thuốc.
Tamiflu không được kê đơn để phòng ngừa cúm cho trẻ em
Riêng với trẻ nhỏ, ThS.BS. Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết: Về độ an toàn của Tamiflu đối với trẻ thì Tamiflu đã được phê duyệt sử dụng vào năm 1999 để sử dụng cho trẻ em từ 2 tuần tuổi trở lên. Các tác dụng phụ của thuốc thường nhẹ. Vì vậy, thuốc được coi là an toàn để sử dụng. Cơ chế của Tamiflu là thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ngăn virus nhân lên trong cơ thể.
“Bác sĩ nhi khoa có thể kê đơn Tamiflu cho trẻ nếu có biểu hiện sau: Sốt/ớn lạnh; ho; sổ mũi; viêm họng; đau người; mệt mỏi… Các cha mẹ hãy nhớ rằng, bác sĩ chỉ kê đơn Tamiflu khi trẻ có các triệu chứng cúm và có kết quả thử nghiệm dương tính với cúm A hoặc cúm B và thường sử dụng trong vòng 48 giờ từ khi có triệu chúng. Vì vậy, cha mẹ không nên sử dụng Tamiflu bừa bãi khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Nếu trẻ có các triệu chứng cúm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm, bác sĩ cũng có thể chỉ định cho trẻ dùng Tamiflu ở giai đoạn muộn hơn. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các yếu tố nguy cơ bao gồm trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi mắc các bệnh mãn tính như hen suyễn, tiểu đường hoặc bệnh tim phổi”, BS Nguyệt cho biết.
ThS.BS. Trần Thu Nguyệt, Viện Y học ứng dụng Việt Nam lưu ý: Tamiflu không được kê đơn để phòng ngừa cúm cho mọi trẻ em, trừ khi trẻ có nguy cơ rất cao mắc bệnh cúm nặng. Các chuyên gia y tế khuyến cáo phương pháp tốt nhất để phòng ngừa cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên là tiêm phòng cúm theo mùa mỗi năm.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/thuoc-tamiflu-dieu-tri-cum-dung-sao-cho-dung-192250218114857857.htm