Phụ huynh này cho biết, do sức ép của thầy cô chủ nhiệm và nhà trường mà nhiều năm qua phải ký giấy học thêm dù không muốn học.
Mới đây, một phụ huynh ở Trường THCS Mỗ Lao, phường Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội đã đăng trong hội nhóm có đông thành viên quan tâm đến giáo dục phản ánh tình trạng bị “ép” ký giấy học thêm.
Cụ thể, người này cho hay, ngày 10/2, đã phải đến trường họp phụ huynh bất thường để các thầy cô chủ nhiệm thông báo sẽ vẫn tiếp tục dạy thêm buổi chiều có thu tiền (học chính buổi sáng) và ép phụ huynh ký giấy đăng ký học thêm tự nguyện sau ngày 14/2 sau khi có Thông tư 29.
“Việc ký giấy học thêm này chúng tôi đã phải làm trong nhiều năm qua, dù không muốn học nhưng do sức ép của thầy cô chủ nhiệm và nhà trường mà phải ký. Nếu không ký sẽ bị thái độ khó chịu của giáo viên.
Với cương vị là một phụ huynh có hơn một con đi học phổ thông nhiều năm, bản thân tôi đã chứng kiến và trải qua sự ép buộc đi học thêm của các giáo viên chủ nhiệm. Nếu không cho con đi học thêm sẽ bị thầy cô nhắn tin và gọi điện riêng, tạo sức ép buộc phải đồng ý nếu không con cái sẽ bị trù dập. Vậy xin hỏi sau ngày 14/2 khi Thông tư 29 có hiệu lực mà trường con tôi vẫn tổ chức dạy thêm có thu phí thì tôi sẽ gửi đơn kiện lên cấp lãnh đạo nào?”.
![Thực hư phụ huynh ở Hà Nội tố trường](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Thuc-hu-phu-huynh-o-Ha-Noi-to-truong-ep.jpeg)
Trường THCS Mỗ Lao là địa điểm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Tào Nga
Bài viết này ngay sau khi được chia sẻ đã nhận quan tâm từ dư luận. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số phụ huynh khác cũng đăng tải thông tin và phủ nhận: “Tôi được biết trường có đủ điều kiện dạy chính khoá sáng 4 tiết và chiều 3 tiết, nghỉ thứ 7 và chủ nhật. Tôi mong phụ huynh ẩn danh đối chiếu với thông tin, tránh đưa thông tin sai lệch ảnh hưởng đến việc dạy và học của các con chúng tôi”.
Liên quan đến nội dung trên, bà Lê Thị Hồng Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Mỗ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, cho biết, trường có tổ chức họp phụ huynh nhưng không có việc nhà trường ép ký đơn tình nguyện học thêm buổi chiều.
“Công văn 7291 năm 2010 của Bộ GDĐT về việc hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học có quy định rõ: “Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương”.
Lâu nay nhà trường triển khai dạy học 2 buổi/ngày. Khi có thông tin về Thông tư 29 của Bộ GDĐT, nhiều phụ huynh lo lắng về việc quản lý con các buổi chiều, không ai đưa đón nếu nghỉ học. Do đó, chiều ngày 10/2, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh lấy ý kiến. Nếu phụ huynh tự nguyện đồng ý, nhà trường sẽ tổ chức còn nếu có ý kiến không đồng ý sẽ dừng”, bà Phượng cho hay.
Bà Hồng Phượng cũng nói về bài đăng trên mạng xã hội, nhà trường đã nắm được thông tin nhưng đây có phải phụ huynh của trường hay không thì chưa rõ bởi đó là một tài khoản ảo, không có thông tin nào được công khai.
Được biết, sau buổi họp phụ huynh ngày 10/2, có 28/33 lớp của trường có biên bản đồng ý tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Cũng liên quan đến Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng Phòng GDĐT quận Hà Đông cho biết, sau khi có Thông tư 29, Phòng GDĐT đã họp hiệu trưởng các trường học để quán triệt các nội dung, yêu cầu thực hiện đúng quy định của thông tư về dạy thêm học thêm.
Theo bà Hằng, đối với các trường học có điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày sẽ vẫn tiếp tục duy trì kế hoạch dạy học như trước.
Tuy nhiên, nhà trường sẽ xây dựng lại thời khóa biểu không quá 7 tiết/ngày, trong đó buổi sáng 4 tiết, chiều 3 tiết. Ngoài các nội dung kiến thức theo chương trình, nhà trường có thể tăng cường thêm các tiết học về kỹ năng sống cho học sinh.
Bộ GDĐT đã xây dựng và ban hành Thông tư 29 dựa trên những quan điểm, nguyên tắc nào?
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho hay: Từ năm 2012 đến 2024, quy định dạy thêm học thêm được thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 và Quyết định số 2499/QĐ-BGDĐT ngày 26/8/2019 bãi bỏ một số nội dung của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 26/8/2019.
Hoạt động dạy thêm, học thêm là hoạt động phức tạp, phạm vi cả trong và ngoài nhà trường; nhu cầu lớn trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển nên văn bản đã tồn tại được hơn một thập kỷ chưa đủ chế tài quản lý. Ngày 10/01/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 41/TTg-QHĐP giao Bộ GDĐT xây dựng và ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 17 về dạy thêm, học thêm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và yêu cầu thực tế, Bộ GDĐT đã nghiên cứu và ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngày 30/12/2024 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm được xây dựng lần này với 5 quan điểm và nguyên tắc.
Thứ nhất, để thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, các quy định của pháp luật khác có liên quan và phù hợp với tình hình thực tiễn tại các địa phương trong công tác quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm. Đồng thời thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 41/TTg-QHĐP ngày 10/01/2024.
Thứ hai, quản lý các hoạt động dạy thêm, học thêm, chứ “không cấm”. Quy định rõ những hoạt động dạy thêm, học thêm nào đúng quy đinh; hoạt động nào không đúng quy định để chính quyền các cấp, các tổ chức cá nhân và toàn xã hội tham gia giám sát, kiểm tra, thanh tra trong quá trình tổ chức thực hiện, vì vậy Thông tư lần này đã bổ sung các các lực lượng (chính quyền các cấp, tổ chức cá nhân có liên quan) cùng tham gia quan lý hoạt động này.
Thứ ba, việc tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm không ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chương trình giáo dục của nhà trường; không ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình môn học của giáo viên.
Thứ tư, tổ chức dạy thêm, học thêm phải bảo đảm lợi ích của học sinh, không ép buộc; giữ gìn hình ảnh và sự tôn nghiêm của nhà giáo.
Thứ năm, dạy thêm, học thêm phải phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi căn bản từ chương trình định hướng nội dung sang chương trình định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Hình thành phẩm chất, năng lực qua cả quá trình học và hoạt động giáo dục. Học sinh được phát huy tính chủ động, sáng tạo, giáo viên đóng vai trò là người tổ chức, kiểm tra, định hướng; hình thức tổ chức dạy học được đa dạng hóa, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Phương thức thi, kiểm tra đánh giá chất lượng đã được chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất của người học; đo lường được sự tiến bộ của học sinh trong quá trình học tập và mức độ đáp ứng yêu cầu cần đạt của các môn học, hoạt động giáo dục, bảo đảm độ tin cậy, công bằng, khách quan. Hình thành phương pháp, thói quen, khả năng tự học của học sinh.
Nguồn: https://danviet.vn/thuc-hu-phu-huynh-o-ha-noi-to-truong-ep-ky-giay-hoc-them-va-dat-1-cau-hoi-khi-thuc-hien-thong-tu-29-20250211215929222.htm