Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông: Yếu tố con người rất quan trọng
Đó là một trong những đánh giá quan trọng trong giám sát thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, do Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện tại tỉnh Bình Định.
Trong hai ngày 24 – 25.3, đoàn giám sát làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh, UBND huyện Phù Cát, một số trường học tại huyện Phù Cát, Tây Sơn, TX An Nhơn.
Tập trung bồi dưỡng giáo viên
Bà Lý Tiết Hạnh, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cho biết, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đảm bảo tính khoa học, thực tiễn, kế thừa và phát triển những ưu điểm của chương trình, sách giáo khoa GDPT năm 2006. Chương trình mới được đánh giá phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh. Việc đa dạng hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh, tạo cho học sinh sự mạnh dạn, tự tin.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Đinh Công Sỹ – Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trực tiếp trao đổi với giáo viên, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn. Ảnh: HOÀNG VINH |
Các cơ sở giáo dục đã chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT, phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của năm học. Việc triển khai thực hiện cơ bản đảm bảo kế hoạch, trong đó đã hoàn thành chương trình giảng dạy đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc theo yêu cầu.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lê Thị Điển thông tin thêm, trong các điều kiện bảo đảm triển khai chương trình GDPT 2018, tỉnh rất quan tâm đến số lượng, cơ cấu và chất lượng đội ngũ, nhất là giáo viên đứng lớp. Bình Định là một trong những tỉnh đứng đầu về bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đáp ứng yêu cầu chương trình, cùng với đó giáo viên cũng chủ động tự đào tạo, bồi dưỡng để nâng chuẩn.
Sở GD&ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Trường ĐH Quy Nhơn hoàn thành bồi dưỡng cho 204 giáo viên môn Tin học và Công nghệ (tiểu học); 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), 512 giáo viên môn Lịch sử – Địa lý (THCS); 12.738 giáo viên và cán bộ quản lý bồi dưỡng các mô đun theo chương trình GDPT 2018 (100%).
Trong đổi mới luôn có nhiều khó khăn ở bước đầu, nhất là các môn học mới. Trường THCS Cát Lâm (huyện Phù Cát) có 4 giáo viên môn Khoa học tự nhiên, được phân công mỗi giáo viên đảm nhận hoàn toàn dạy môn học tích hợp này. Cô giáo Thái Thị Diệu được đào tạo chính về Hóa học và Sinh học, được bồi dưỡng thêm môn Hóa học và Vật lý để dạy môn Khoa học tự nhiên. “Quá trình giảng dạy có khó khăn ở những bài thực hành Vật lý. Để khắc phục, tôi tự học thêm và học hỏi từ giáo viên tổ bộ môn”, cô Diệu chia sẻ.
Hiệu trưởng Trường THCS Cát Lâm Nguyễn Văn Quang cho biết việc chuyển đổi từ chương trình GDPT 2006 sang chương trình GDPT 2018, giáo viên trẻ năng động và tiếp cận nhanh về công nghệ thông tin thì đáp ứng tốt, còn giáo viên lớn tuổi có khó khăn nhất định.Với môn Khoa học tự nhiên, cùng với việc giáo viên đã được bồi dưỡng, nhà trường có tổ bộ môn sinh hoạt định kỳ, ban giám hiệu cũng hỗ trợ thêm cho giáo viên để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy.
Ông Nguyễn Văn Cưởng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tây Sơn (huyện Tây Sơn) cũng nêu: Các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý bước đầu giáo viên còn lúng túng, nhưng sau đó dần ổn định. Các mục tiêu cần đạt của chương trình cơ bản phù hợp với khả năng tiếp thu của đa số học sinh, học sinh dân tộc thiểu số Bana tiếp thu lĩnh hội kiến thức còn chậm.
Với khối trường THPT, theo Hiệu trưởng Trường THPT số 2 An Nhơn (TX An Nhơn)Huỳnh Vũ Quý, thách thức ở việc lựa chọn nhóm môn học trong chương trình mới sao cho phù hợp với điều kiện thực tế của trường (cơ sở vật chất, giáo viên) và sở thích, khả năng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp.
Cần chính sách tinh giản biên chế phù hợp đặc thù ngành giáo dục
Trong thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, tỉnh Bình Định cũng được đoàn giám sát đánh giá có nhiều cách làm hay, là một trong những tỉnh đầu tiên chủ động, triển khai sớm biên soạn tài liệu giáo dục địa phương ngay sau khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn; quan tâm đầu tư các nguồn lực cho công tác bảo đảm chất lượng giáo dục phổ thông; đội ngũ giáo viên được bố trí đảm bảo số lượng, đồng bộ về cơ cấu thực hiện chương trình…
Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Văn Hưng cho hay, ngành GD&ĐT luôn được huyện quan tâm, bố trí kinh phí hằng năm để chi thường xuyên chiếm khoảng 53% ngân sách địa phương. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư cho ngành giáo dục, ở đâu có học sinh là ở đó có trường lớp và thầy cô giáo. Riêng về biên chế, huyện dành phần lớn cho ngành GD&ĐT, tuy nhiên vướng nằm ở quy định thực hiện tinh giản biên chế.
Từ thực tế này, Đoàn ĐBQH tỉnh nêu kiến nghị Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xem xét tham mưu Chính phủ có chính sách tinh giản biên chế phù hợp đặc thù ngành giáo dục, đảm bảo số lượng giáo viên đứng lớp tại các cơ sở giáo dục phải căn cứ vào số học sinh/số lớp.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long cho rằng, từ năm 2015 đến nay, tổng số chỉ tiêu biên chế toàn tỉnh tinh giản đảm bảo 10% theo Nghị quyết số 39-NQ/TW39, tuy nhiên bằng nhiều giải pháp linh hoạt riêng, ngành giáo dục không giảm chỉ tiêu nào. Ngành giáo dục thì không thể thu hẹp biên chế được, bởi số lượng học sinh đều tăng qua các năm. Rà soát trước đây, toàn tỉnh thiếu 870 giáo viên các cấp học, vừa rồi Bộ Chính trị đã bổ sung 310 biên chế. Do vậy, riêng với giáo dục, đề nghị Quốc hội và Chính phủ xem xét về vấn đề tinh giản biên chế, đặc biệt với nhóm giáo viên trực tiếp đứng lớp. Có quan tâm vậy thì hệ thống chính sách, quyền lợi cho giáo viên mới có tính lâu dài.
Cùng với biên chế, Đoàn ĐBQH tỉnh cũng nêu một số kiến nghị với các cấp tại buổi giám sát. Trong đó, rà soát, kiểm tra và thực hiện giải pháp giảm giá sách giáo khoa, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá sách giáo khoa cho học sinh thuộc gia đình hộ nghèo, cận nghèo, học sinh vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và hỗ trợ kinh phí cho các trường phổ thông mua sách trang bị đầy đủ vào thư viện để học sinh học tập và tham khảo. Các Bộ, ngành rà soát nhu cầu để sớm có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các địa phương đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; tiếp tục xem xét bố trí vốn để thực hiện Đề án kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong giai đoạn 2021 – 2025 và đến năm 2030. Tiếp tục rà soát danh mục các đầu sách giáo khoa cần thiết phục vụ giáo dục theo chương trình mới; sửa đổi, bổ sung thông tư về tiêu chuẩn bàn ghế học sinh…
THU HIỀN