Sau 2 năm thực hiện đề án Thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, 5 vùng nguyên liệu đã hình thành ngày càng rõ nét theo hướng không chỉ phát triển về diện tích, mà đặc biệt chú trọng về chất lượng, thu hút nhiều doanh nghiệp tích cực tham gia…
5 vùng nguyên liệu ngày càng rõ nét, tạo chuỗi ngành hàng
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 1311/VPCP-NN ngày 18/2/2025 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Trong 9 nhiệm vụ chính Thủ tướng nêu ra với Bộ NNPTNT, có yêu cầu Bộ NNPTNT thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả xây dựng thí điểm 5 vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa tập trung, đồng thời hướng dẫn địa phương xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Trước đó, Bộ NNPTNT đã phê duyệt đề án Thí điểm vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 tại Quyết định 1088/QĐ-BNN-KTHT. Mục tiêu của đề án là sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, ở 13 tỉnh, thành phố trọng điểm.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2024 – Ảnh VGP/Nhật Bắc
Theo mục tiêu đề án đặt ra, trong giai đoạn 2022-2023 sẽ hình thành được 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn, quy mô tập trung với tổng diện tích 166.800ha, gồm: Vùng cây ăn quả vùng miền núi phía Bắc 14.000ha; gỗ rừng trồng chứng chỉ bền vững (FSC, FEFC, VFCS) vùng duyên hải miền Trung 22.900ha; cây cà phê Tây Nguyên 19.700ha; lúa gạo vùng tứ giác Long Xuyên 50.000ha; cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười 60.200ha.
Đồng thời, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX, nông dân liên kết trong vùng nguyên liệu. Thí điểm hình thành 136 tổ khuyến nông cộng đồng, tổ chức 770 lớp tập huấn tư vấn phát triển hợp tác xã, kết nối thị trường…
Giai đoạn 2024-2025 mở rộng xây dựng 5 trung tâm sơ chế, chế biến, bảo quản nguyên liệu (logistics) hỗ trợ HTX, gồm Trung tâm logistics chuỗi lúa gạo huyện Thoại Sơn (An Giang), Trung tâm logistics lúa-tôm hữu cơ huyện An Minh (Kiên Giang), Trung tâm logistics chế biến tôm huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Trung tâm logistics trái cây Mỹ Hiệp (Đồng Tháp) và Trung tâm logistics chuỗi cà phê (Gia Lai).
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2024, chủ đề “Khơi dậy khát vọng làm giàu để phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới” tổ chức ngày 31/12, ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc, Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023 đã nêu câu hỏi: Thời gian tới Chính phủ sẽ có chính sách ưu đãi gì để khuyến khích xây dựng thêm nhiều vùng nguyên liệu tập trung cho các sản phẩm khác như tôm, cá tra, dược liệu, dâu tằm tơ…, đồng thời, có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tập trung đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản hiện đại gắn với vùng nguyên liệu tập trung?
Trả lời ý kiến của ông Huy, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan (nay là Phó Chủ tịch Quốc hội) cho biết, Bộ NNPTNT đã có quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung bởi ngành nông nghiệp đang còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, nếu không tập trung thì không thể nào có quy mô lớn, không có phân công lao động.
Theo đó, ông Lê Minh Hoan lưu ý: Một là, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung thì chúng ta phải ghép những mảnh đất nhỏ lại. Bản thân đất đai không phải quyết định tất cả mà con người phải tập trung vào đó, tạo thành chuỗi nguyên liệu ngành hàng.
Vùng nguyên liệu phải là các nguyên liệu trong chuỗi ngành hàng gồm sản xuất, bảo quản, có chế biến và phát triển thị trường, có liên kết các doanh nghiệp. Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng tiêu chí đánh giá thế nào là vùng nguyên liệu tập trung, ở đó có lực lượng khuyến nông, lực lượng cơ sở tham gia để khi ghép lại sẽ lớn mạnh, đồng thời nâng cao năng lực cấp uỷ chính quyền địa phương, ngành khuyến nông, nông nghiệp, công thương… để hỗ trợ cho vùng nguyên liệu tập trung.
“Ví dụ như đối với ngành hàng dâu tằm, tôi thiết nghĩ bước đầu phải lập kế hoạch, trong đó có bao nhiêu người tham gia, thị trường ở đâu, giống trong nước hay ngoài nước, chúng ta mong muốn là gì, sau đó tập hợp bà con nông dân mong muốn gì, phần nào làm được, phần nào cần Nhà nước hỗ trợ…” – ông Lê Minh Hoan nói.

Nông dân Đắk Lắk thu hoạch cà phê. Ảnh: Duy Hậu
Theo báo cáo của Cục Kinh tế hợp tác và PTNT (đơn vị được giao chủ trì thực hiện đề án), chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện, 5 vùng nguyên liệu đạt chuẩn hình thành ngày càng rõ nét theo hướng không chỉ phát triển về diện tích, mà đặc biệt chú trọng về chất lượng, áp dụng các tiêu chuẩn được công nhận trong nước và thế giới.
Nhiều công trình xây dựng kỹ thuật hạ tầng trong vùng nguyên liệu đã được thi công và bàn giao cho địa phương đưa vào sử dụng, phục vụ tốt cho việc vận chuyển nguyên liệu từ vùng sản xuất về nhà máy để chế biến.
Không ít HTX đã được thành lập mới và củng cố lại; cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX được đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, ứng dụng công nghệ phần mềm kế toán HTX, phần mềm nhật ký sản xuất; hình thành được hệ thống các Tổ Khuyến nông cộng đồng để tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật về sản xuất, liên kết thị trường, phát triển HTX, tín dụng.
Các địa phương đã tập trung thực hiện triển khai hiệu quả các dự án liên kết theo Nghị định số 98/2028/NĐ-CP, áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến và chính sách hỗ trợ đất lúa, huy động được sự tham gia và đối ứng kinh phí khá lớn của các HTX, doanh nghiệp.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT cho biết, qua rà soát cho thấy, tổng diện tích vùng nguyên liệu có liên kết tiêu thụ với doanh nghiệp đã đạt 103.884ha diện tích liên kết (chiếm 62,28% tổng diện tích vùng nguyên liệu), chủ yếu ở các vùng nguyên liệu: Lúa gạo tại An Giang, Kiên Giang; cà phê tại Gia Lai, Đắk Nông; vùng cây ăn quả tại Đồng Tháp, Tiền Giang, Sơn La; vùng gỗ rừng trồng tại Thừa Thiên – Huế. Một số nơi chưa có hoặc có rất ít doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu (Hòa Bình, Long An).
Trong đó, cà phê là một trong những loại cây trọng điểm về nông nghiệp công nghiệp đã được Bộ NNPTNT triển khai xây dựng vùng trọng điểm tại 4 tỉnh Tây Nguyên, thu hút nhiều doanh nghiệp, HTX trong khu vực tham gia.
Đơn cử tại tỉnh Gia Lai, năm 2023 Bộ NNPTNT đã khởi động hợp phần đầu tư kết cấu hạ tầng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao tại Tây Nguyên, gồm 2 gói thầu xây lắp với giá trị khoảng 63 tỷ đồng.
Gói thầu có sự tham gia của các đơn vị tiêu biểu trong lĩnh vực xuất khẩu cà phê như Công ty TNHH Vĩnh Hiệp, HTX Nghĩa Hoà (huyện Chư Păh), HTX Hàm Rồng (TP. Pleiku), HTX Ia Ring (huyện Chư Sê), HTX Phượng Hoàng (huyện Đức Cơ). Tại tỉnh Đắk Lắk có 6 HTX tham gia vào dự án là HTX Ea Wy, HTX Nghĩa Lộc, HTX Minh Toàn Lợi, HTX Thành Đạt, HTX Minh Toàn Lợi và HTX Thành Đạt.

Với các tỉnh Tây Nguyên, Bộ NNPTNT thực hiện đề án xây dựng vùng nguyên liệu cà phê đạt chuẩn với diện tích 19.700ha gồm 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum và Đắk Nông. Trong vùng dự án này có khoảng 64 hợp tác xã sẽ được hưởng thụ với 5.230 hô dân sản xuất cà phê. Ảnh: T.L
Ông Lâm Quốc Triều, Giám đốc HTX Nông nghiệp, Thương Mại và Dịch vụ Du lịch sinh thái Hàm Rồng cho biết, HTX được Bộ NNPTNT đầu tư hạng mục nâng cấp tuyến đường giao thông. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng, chăm sóc cà phê bền vững, chế biến, thu hoạch của HTX.
Trong khi đó, ông Thái Như Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho biết, tại Tây Nguyên, kết cấu hạ tầng có tầm quan trọng cho các HXT để phát triển sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh. Việc dự án được đầu tư xây dựng đã đáp ứng kỳ vọng của nhiều bà con nông dân với khát vọng phát triển vùng nguyên liệu cà phê chất lượng cao vươn tầm thế giới.
“Dự án thành công sẽ kết nối hạ tầng giao thông với vùng sản xuất cà phê của các địa phương, HTX, giảm chi phí vận chuyển, đầu tư trong sản xuất. Khi các vùng nguyên liệu được định hình rõ nét thì không chỉ đáp ứng về sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao chất lượng cà phê theo yêu cầu của các khách hàng khắt khe nhất như Mỹ, EU và Nhật Bản” – ông Hiệp chia sẻ.
Thí điểm thành lập Hiệp hội HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu
Bên cạnh những kết quả bước đầu, ông Lê Đức Thịnh cũng chỉ rõ một số vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai đề án thí điểm. Đơn cử, vấn đề pháp lý và bố trí mặt bằng đất đai xây dựng kho bãi, hạ tầng phục vụ kinh doanh của các HTX, cụm HTX còn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù các tỉnh đều có cam kết với Bộ ngay từ đầu khi đăng ký tham gia Đề án nhưng khi triển khai chưa thực hiện đúng cam kết.
Một số nơi chưa có hoặc có rất ít doanh nghiệp đầu tư liên kết phát triển vùng nguyên liệu, như tỉnh Hòa Bình, Long An.
Các HTX quy mô quá bé (7-10 thành viên), hoạt động chưa hiệu quả, chưa kết nối với các doanh nghiệp tiêu thụ. Vì vậy, thời gian tới, việc phát triển, củng cố các HTX trong vùng nguyên liệu theo hướng vận động nông dân tham gia HTX dưới dạng thành viên liên kết như trong Luật HTX năm 2023 là yêu cầu cấp bách và rất cần thiết; việc cấp mã số vùng cho các HTX trong vùng nguyên liệu còn rất ít.
“Nhu cầu về vay vốn tín dụng của các HTX, doanh nghiệp và hộ nông dân cho đầu tư phát triển vùng nguyên liệu rất lớn, song việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng còn gặp nhiều hạn chế” – ông Thịnh nói.

Người dân ĐBSCL thu hoạch lúa. Ảnh: Huỳnh Xây
Để tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, Bộ NNPTNT đã giao Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chủ trì, đầu mối chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ, 13 tỉnh tham gia Đề án và các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai các nội dung của Đề án.
Chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân tổ chức đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các HTX, thành viên HTX trong các vùng nguyên liệu nhằm mở rộng quy mô thành viên tham gia, củng cố và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động; hỗ trợ HTX, tham gia các chuỗi liên kết theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP;
Chủ trì, phối hợp với các Viện, Trường thuộc Bộ và các đơn vị liên quan nghiên cứu tổ chức các lớp đào tạo nghề cho các HTX, thành viên HTX và nông dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu như: Nghề Giám đốc HTX nông nghiệp; nghề kế toán HTX nông nghiệp; sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp để tái sản xuất theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng quy trình sản xuất xanh, giảm phát thải, thân thiện với môi trường…
Cục cũng là đơn vị chủ trì, phối hợp với các tổ chức có năng lực đẩy mạnh chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin cho các HTX, thành viên HTX. Nghiên cứu thí điểm thành lập Hiệp hội HTX nông nghiệp trong các vùng nguyên liệu. Phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ và các địa phương nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chí, chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật cho vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn để triển khai hiệu quả và nhân rộng.
Phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (Agribank) và một số ngân hàng, tổ chức tín dụng; Bảo hiểm Nông nghiệp (ABIC) triển khai thí điểm cơ chế, chính sách tín dụng gắn với bảo hiểm nông nghiệp theo chuỗi liên kết phát triển vùng nguyên liệu. Trước mắt, rà soát nhu cầu tín dụng của các HTX, doanh nghiệp trong các vùng nguyên liệu lúa gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cà phê ở vùng Tây Nguyên để triển khai thí điểm một số mô hình cho vay tín dụng theo chuỗi liên kết có sự tham gia của HTX, doanh nghiệp và có sự hỗ trợ của Tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ).
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được phân công nhiệm vụ tiếp tục tăng cường năng lực cho hệ thống khuyến nông và hỗ trợ các Tổ KNCĐ trong phát triển vùng nguyên liệu; nâng cao vai trò của các Tổ KNCĐ trong việc tư vấn, hỗ trợ phát triển HTX, tư vấn kỹ thuật phát triển sản xuất và liên kết thị trường, tiếp cận khoa học công nghệ, tín dụng. Phối hợp với Cục Kinh tế hợp tác và PTNT thí điểm việc tham gia của KNCĐ vào tổ chức của các HTX nông nghiệp.
Các địa phương tham gia Đề án (Hòa Bình, Sơn La, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang) cần quan tâm, bố trí kinh phí, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ triển khai Đề án theo đúng cam kết với Bộ. Quan tâm tháo gỡ khó khăn pháp lý về đất đai, tạo điều kiện, hỗ trợ mặt bằng đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng logistics hỗ trợ HTX…
Nguồn: https://danviet.vn/thu-tuong-yeu-cau-bo-nnptnt-tong-ket-danh-gia-de-an-thi-diem-5-vung-nguyen-lieu-nong-san-20250221164700183.htm