Nhận lời mời của Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Lý Cường và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 24 – 27. 6, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 22.6.
Hồi tháng 6.2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên, đồng thời tham dự Hội nghị WEF ở thành phố Thiên Tân.
Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định và đạt nhiều kết quả quan trọng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc vào tháng 10.2022. Tháng 12.2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước tới Việt Nam và hai nước ra Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị WEF thể hiện rõ vai trò, dấu ấn Việt Nam trong bối cảnh thách thức kinh tế toàn cầu.
WEF là một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động theo hình thức hợp tác công – tư, được Giáo sư Klaus Schwab thành lập năm 1971, có trụ sở tại Geneve, Thụy Sĩ. WEF hiện có khoảng 700 đối tác là lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực khác nhau. Các sự kiện của WEF thu hút sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh doanh, văn hóa, xã hội, nghiên cứu – học thuật… hàng đầu thế giới để định hình các chương trình nghị sự ở cấp độ khu vực và toàn cầu.
Từ khi Việt Nam và WEF thiết lập quan hệ năm 1989, hợp tác giữa Việt Nam và WEF được lãnh đạo hai bên quan tâm thúc đẩy, phát triển trên nhiều lĩnh vực. Lãnh đạo hai bên cũng đẩy mạnh các hoạt động tiếp xúc, trao đổi cấp cao, đặc biệt giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch điều hành WEF Klaus Schwab tại Hội nghị WEF Thiên Tân (tháng 6.2023), Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 (tháng 11.2022) và lần thứ 43 (tháng 9.2023). Việt Nam và WEF cũng đã phối hợp tổ chức nhiều hội nghị quan trọng.
Theo thông tin chính thức của WEF, Hội nghị lần này sẽ quy tụ hơn 1.500 nhà lãnh đạo cấp cao từ các nước, các tổ chức quốc tế, doanh nhân, học giả khắp thế giới. Hội nghị sẽ có chủ đề “Những chân trời tăng trưởng mới” (Next Frontiers for Growth), giữa bối cảnh các dự báo kinh tế mới nhất cho thấy nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn “hạ cánh mềm”.
Theo WEF, tăng trưởng kinh tế đang hồi phục, lạm phát giảm và tốc độ phát triển thần tốc của phát minh công nghệ như trí tuệ nhân tọa (AI) đang thúc đẩy mọi ngành nghề kinh tế phát triển. Tuy nhiên, rủi ro và căng thẳng vẫn tồn tại. Chỉ khi có sự tham gia của mọi bên liên quan và hợp tác ở mọi cấp độ phù hợp, thế giới mới có thể mở khóa những tiền tuyến mới của tăng trưởng. Sẽ có 6 chủ đề chính được tập trung thảo luận trong Hội nghị lần này.
Nguồn: https://thanhnien.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tuan-sau-du-hoi-nghi-wef-va-lam-viec-tai-trung-quoc-185240622134724789.htm