Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để thực hiện, miễn là không tư lợi, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Thường trực Chính phủ sáng nay (10/2) có cuộc gặp gỡ doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.
Hội nghị do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì. Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình và các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Bùi Thanh Sơn.
Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, 26 tập đoàn, doanh nghiệp lớn của nhà nước và tư nhân.
Thường trực Chính phủ mong muốn các doanh nghiệp góp ý cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính… qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như bàn các nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Khó khăn xuất hiện bất cứ lúc nào, DN phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã bước sang năm cuối của nhiệm kỳ Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Giai đoạn 2021-2025 là giai đoạn khó khăn với đại dịch Covid-19 hoành hành, chiến tranh, xung đột trên thế giới làm đứt gãy chuỗi cung ứng; riêng trong năm 2024, cơn bão số 3 (Yagi) gây hậu quả nghiêm trọng đã tác động đến tình hình đất nước.
Năm 2024, cả thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Ngay từ đầu năm 2025, thế giới đã xuất hiện những khó khăn, những diễn biến mới phức tạp nên các doanh nghiệp cần luôn chuẩn bị tâm thế sẵn sàng khi lúc nào cũng có khó khăn xuất hiện.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ rất chia sẻ với các doanh nghiệp trước các khó khăn và xác định luôn đồng hành, cùng tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, nhất là các vướng mắc về thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng cũng là “đột phá của đột phá”.
Bước sang năm 2025, Thủ tướng nêu rõ, một điểm mới là Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng tất cả các địa phương, bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp nhà nước, các lĩnh vực.
Theo Thủ tướng, nếu cứ tăng trưởng “bình bình” thì không thể đạt được 2 mục tiêu phát triển 100 năm. Trung ương đã ban hành Kết luận 123 với yêu cầu tăng trưởng GDP ít nhất 8% năm 2025 để tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo phải đạt tăng trưởng 2 con số. Để thực hiện điều này rất cần sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn.
Thủ tướng đặt vấn đề cần những giải pháp gì để đất nước tăng trưởng 2 con số; như các địa phương, doanh nghiệp trong nước, ngoài nước, doanh nghiệp FDI phải đồng bộ tăng trưởng; phân tích kỹ, đánh giá ứng phó tình hình hiện nay như thế nào khi có kịch bản xấu xảy ra.
Chính phủ đã chỉ đạo các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải tiếp tục rà soát, hàng tháng báo cáo những vướng mắc về thể chế để báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi; như vấn đề miễn thuế trước bạ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, miễn thuế VAT cho doanh nghiệp, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước, thuế, phí, lệ phí; giải quyết các vấn đề liên quan quy hoạch, đất đai, thủ tục, giấy phép… Điều này rất cần có sự đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp. Thời gian qua, các luật, các quy định mới liên quan đất đai, môi trường được ban hành đều có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.
Cũng theo Thủ tướng, chúng ta đang triển khai quyết liệt một số dự án rất lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, 3 tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn kết nối với Trung Quốc, nhà máy điện hạt nhân; tập trung phát triển đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đẩy mạnh khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ; thúc đẩy tăng trưởng GDP; tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế; tinh gọn bộ máy hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả…
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị trong các việc lớn của đất nước, các doanh nghiệp xem có thể làm được gì thì đăng ký làm và đề xuất cơ chế chính sách để làm, miễn là không tư lợi, không tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng lấy ví dụ, vừa qua đã đề nghị tập đoàn Trường Hải (THACO) nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu và tiến tới sản xuất đầu máy cho đường sắt tốc độ cao, tập đoàn Hòa Phát làm ray đường sắt tốc độ cao, tập đoàn FPT tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, thiết kế chip bán dẫn…
Gần 10.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đầu năm
Kỳ vọng bất động sản 2025 khởi sắc, doanh nghiệp ‘đánh’ mạnh thị trường tỉnh
Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị với loạt doanh nghiệp bất động sản lớn
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-tuong-doanh-nghiep-co-the-dang-ky-lam-nhung-viec-lon-cua-dat-nuoc-2369964.html