Chính phủ sẽ sớm ban hành Chỉ thị về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thông tin này vừa được người đứng đầu Chính phủ chia sẻ tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến, rà soát, hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị. 

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, phát triển KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nhân lực chất lượng cao là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu cho sự phát triển đất nước, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể.

Điều này có 3 ý nghĩa quan trọng, góp phần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nhanh và bền vững, nâng cao năng suất lao động tổng hợp của toàn xã hội và nâng cao tính cạnh tranh, hội nhập của nền kinh tế quốc gia.

Thu tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Nhật Bắc

Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ đã xác định rất rõ các nhóm nhiệm vụ cụ thể. Tuy nhiên, tại Hội nghị phát triển KHCN, ĐMST và nhân lực chất lượng cao, Thủ tướng nhấn mạnh thêm 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của KHCN, ĐMST, chuyển đổi số và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với tăng trưởng cao và bền vững. Điều này phải ngấm sâu vào tư tưởng, lời nói, hành động của từng cấp, từng ngành, từng người dân Việt Nam.

Thứ hai, rà soát lại ở tất cả các cấp, các ngành, các viện, trường, doanh nghiệp những nút thắt, vướng mắc về mặt thể chế, cơ chế, chính sách để tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung kịp thời, hiệu quả, nhất là từ thực tế hoạt động của các đơn vị. Công việc này phải làm trong quý I và quý II năm 2025.

Thứ ba, phải đẩy mạnh phát triển hạ tầng, trong đó có hạ tầng số, hạ tầng CNTT, hạ tầng giao thông, hạ tầng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hạ tầng năng lượng, hạ tầng y tế, giáo dục, xã hội, thể thao, hạ tầng văn hoá, công nghiệp văn hoá, giải trí; xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo; phát triển hạ tầng phải bao trùm, toàn diện trên các lĩnh vực trên cả nước.

Thứ tư, phải đa dạng hoá các nguồn lực, muốn phát triển lĩnh vực, ngành nào thì phải có cơ chế chính sách, huy động nguồn lực để ưu tiên phát triển ngành đó.

Thứ năm, đổi mới và đa dạng hoá các hình thức đào tạo, từ cấp phổ thông đến đại học, trên đại học, đào tạo bổ sung, đào tạo chuyên gia, kỹ thuật, đào tạo trong nước và ngoài nước, thuê chuyên gia, hợp tác, xây dựng cơ chế đặc thù cho đào tạo, thu hút đào tạo…

Thứ sáu, quản trị phải thông minh, tối ưu hoá quản lý, xóa bỏ cơ chế “xin cho”, thủ tục rườm rà, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường giám sát, kiểm tra, tăng cường hậu kiểm, giảm tiền kiểm. Quản lý đánh giá trên hiệu quả tổng thể chứ không phải hiệu quả cục bộ. Phát triển đi đôi với bảo đảm môi trường, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập, đặc biệt là chuyển giao công nghệ nguồn, công nghệ lõi tiên tiến để “xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái”, nhất là các lĩnh vực xác định ưu tiên. 

Thứ tám, các bộ, ngành, địa phương, các cấp, viện, trường, nhà khoa học cần hợp tác chặt chẽ, hiệu quả, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của đất nước lên trên hết, trước hết, trên tinh thần “lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ”, cạnh tranh lành mạnh và hợp tác hiệu quả.

Phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ sản phẩm”; đã bàn là thông, đã nói là phải làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, hiệu quả, cụ thể, cân đong đo đếm được. Ai làm tốt phải khen thưởng, khuyến khích, ai làm không tốt phải đứng sang một bên.

Thứ chín, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam trên toàn cầu để thu hút chất xám, công nghệ, nguồn nhân lực ở khắp thế giới trên mọi lĩnh vực. 

Người trẻ Việt phải hiểu và biết ứng dụng AITheo Khung năng lực số cho người học vừa ban hành, ứng dụng AI trong học tập, làm việc là một trong những năng lực số cần chú tâm đào tạo trong các cơ sở giáo dục.