Góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), TS Trần Anh Tuấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, để chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực để đạt tính khả thi và thực hiện có hiệu quả, cần làm rõ khái niệm về người có tài, tiêu chí xác định nhân tài, đưa ra các quan điểm, chính sách thu hút nhân tài, chính sách trọng dụng nhân tài. Từ đó, đưa ra các nhóm chính sách thu hút nhân tài, nhóm chính sách trọng dụng nhân tài. Tương tự, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng vậy.
Chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng
Hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định về chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Điều 16. Góp ý về nội dung này, TS Trần Anh Tuấn cho hay, thứ nhất, “nhân tài” nói tại Luật Thủ đô nên quy định được hiểu là người có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực và khát vọng cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội; có đóng góp tạo nên sự tiến bộ, phát triển của một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô.
Bên cạnh đó, nhân tài phải do chính quyền thành phố Hà Nội xác định và công nhận theo 3 tiêu chí: Có phẩm chất đạo đức, lối sống chuẩn mực, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của Thủ đô Hà Nội; Có trình độ và năng lực sáng tạo vượt trội trong một ngành, một lĩnh vực cụ thể của Thủ đô Hà Nội; Có thành tích, công trạng, cống hiến tạo nên sự tiến bộ, phát triển của ngành, lĩnh vực của Thủ đô.
Chính sách trọng dụng nhân tài, bao gồm các nội dung sau: được bố trí, phân công giao đảm nhiệm các vị trí việc làm ứng với các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp; được hưởng lương theo vị trí việc làm và bổ nhiệm giữ chức danh công chức, viên chức tương ứng; được người đứng đầu hoặc cấp trên trực tiếp bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý phù hợp; được đặc cách tham gia khi tuyển chọn bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn khi có nhu cầu; được đặc cách đưa vào quy hoạch, luân chuyển, bồi dưỡng để rèn luyện, phát triển; được bố trí nhà ở công vụ miễn phí; được ưu tiên khi thực hiện việc xuất nhập cảnh; được hưởng các đãi ngộ theo quy định của HĐND Thủ đô; được khen thưởng, tôn vinh kịp thời, gắn với công trạng, thành tích, không theo quy trình, thủ tục thông thường…
TS Trần Anh Tuấn – Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ
Việc tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng và thu hút nhân tài được thực hiện theo 4 nguồn nhân lực sau: Một là, học sinh, sinh viên có thành tích học tập, tốt nghiệp loại giỏi, loại xuất sắc từ các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài. Hai là, tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư có các công trình, đề án nghiên cứu được ứng dụng vào đời sống thực tiễn và mang lại hiệu quả. Ba là, cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân và người lao động đang làm việc tại cơ quan, đơn vị, tổ chức của Thủ đô. Bốn là, những người có trình độ, năng lực vượt trội và kinh nghiệm thực tiễn đang làm việc ở các lĩnh vực, khu vực, địa bàn khác, kể cả trong và ngoài nước.
Việc thu hút nhân tài về làm việc tại Thủ đô Hà Nội không căn cứ vào bằng cấp, độ tuổi, thâm niên công tác; không phân biệt dân tộc, vùng miền, người trong nước hay người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài; không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.
Cùng đó, chính sách thu hút nhân tài, bao gồm 4 nội dung sau: Một là, tuyển dụng vào công chức (không qua thi) các trường hợp đủ điều kiện đăng ký dự tuyển công chức, là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc hoặc thủ khoa; viên chức, nhà khoa học trẻ tài năng (đã có công trình khoa học được ứng dụng vào thực tiễn; không yêu cầu thời gian công tác); doanh nhân (có sáng kiến, công trình được ứng dụng hiệu quả trong sản xuất kinh doanh). Việc bổ nhiệm ngạch và xếp lương được thực hiện theo vị trí việc làm đảm nhận.
Hai là, thực hiện chế độ công chức hợp đồng có thời hạn để thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ trong cơ quan, tổ chức hành chính. Chế độ tiền lương và đãi ngộ thực hiện theo cơ chế thỏa thuận. Ba là, được ký hợp đồng có thời hạn và bổ nhiệm giữ chức vụ quản lý (người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu) ở đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, y tế, giáo dục và đào tạo, quản lý hạ tầng hoặc các lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công khác. Bốn là, được ký hợp đồng làm việc với người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao; nhiều kinh nghiệm thực tiễn; có công trình hoặc sản phẩm đã được công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao để thực hiện một số nhiệm vụ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, đào tạo với chế độ tiền lương và chính sách đãi ngộ thỏa thuận.
Ngoài ra, Thủ đô Hà Nội được thành lập Quỹ thu hút, trọng dụng nhân tài trực thuộc UBND (từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn khác) để hỗ trợ về nhà ở, đi lại, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng… trong quá trình thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài của Thủ đô.
Chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Theo TS Trần Anh Tuấn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được quy định tại khoản 2 Điều 16 Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Thứ nhất, mục tiêu: việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô Hà Nội là nhằm xây dựng lực lượng lao động có trí tuệ, tay nghề, năng lực tốt, được đào tạo ngành nghề cơ bản, chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và thực hiện mục tiêu phát triển của Thủ đô.
Thứ hai, cơ sở và căn cứ để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: căn cứ vào từng giai đoạn, chính quyền Thủ đô tập trung phát triển các cơ sở đào tạo dạy nghề (công lập và ngoài công lập) chất lượng cao gắn với nhu cầu của các ngành, lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ưu tiên để phát triển Thủ đô. Thu hút doanh nghiệp, các tổ chức hội, hiệp hội tham gia vào hoạt động phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở các cơ sở đào tạo và dạy nghề.
Thứ ba, cơ chế hoạt động của hệ thống các cơ sở đào tạo, dạy nghề: các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập của Thủ đô được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, quản lý viên chức và cơ chế tài chính để nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ phân cấp cho chính quyền Thủ đô Hà Nội quy định, hướng dẫn và kiểm soát cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các cơ sở đào tạo, dạy nghề công lập của Thủ đô Hà Nội.
Thứ tư, phân cấp, ủy quyền và chính sách liên doanh, liên kết: các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập của Thủ đô được hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề tầm cỡ trong khu vực và quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ phân cấp và ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục, việc cấp văn bằng, chứng chỉ và quy định việc tích hợp chương trình giảng dạy.
Thứ năm, chính sách của Chính phủ và chính quyền Thủ đô: trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập trên địa bàn Thủ đô được Chính phủ và chính quyền Thủ đô hỗ trợ mở rộng địa điểm, kinh phí đầu tư đối với hoạt động chuyển đổi số, đối với công tác quản trị và đào tạo, dạy nghề; đối với nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên.
Thứ sáu, trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chính quyền Thủ đô Hà Nội có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập chủ động thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài vào làm việc ở các vị trí quản lý, giảng dạy; thực hiên cơ chế hợp đồng sử dụng chuyên gia và người lao động có quốc tịch nước ngoài; quy định việc đánh giá, thi đua phù hợp với đặc điểm của hoạt động đào tạo, dạy nghề.
Thứ bảy, ngân sách của Thủ đô được HĐND TP dành một tỷ lệ nhất định để tăng chi cho nghiên cứu ứng dụng và phát triển khoa học – công nghệ, đầu tư cho hệ thống đào tạo và dạy nghề nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thu-hut-trong-dung-nguoi-tai-trong-luat-thu-do-sua-doi.html