Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi thuốc viên bao tan trong ruột Rabewell-20 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Sở Y tế Hà Nội thông báo thu hồi thuốc viên bao tan trong ruột Rabewell-20 do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, thuốc viên bao tan trong ruột Rabewell-20 (Rabeprazole Sodium), Số GĐKLH: VN-13640-11, số lô: ME23A40, NSX: 18/01/2023, HD: 17/01/2026, do Công ty The Madras Pharmaceuticals (Ấn Độ) sản xuất, Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ nhập khẩu; Công ty cổ phần Kinh doanh Thương mại Dịch vụ Mỹ Anh phân phối. Thuốc không đạt yêu cầu chất lượng chỉ tiêu định lượng.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu Công ty cổ phần Kinh doanh Thương mại Dịch vụ Mỹ Anh thực hiện thu hồi triệt để thuốc Viên bao tan trong ruột Rabewell-20 (Rabeprazole Sodium), Số GĐKLH: VN-13640-11, số lô: ME23A40, NSX: 18/01/2023, HD: 17/1/2026; gửi báo cáo thu hồi, hồ sơ thu hồi theo quy định.
Bên cạnh đó, các cơ sở y tế công lập trực thuộc ngành, các cơ sở y tế ngoài công lập, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc, các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn khẩn trương rà soát, thu hồi lô thuốc không đạt tiêu chuẩn chất lượng nêu trên.
Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã thông báo đến các cơ sở hành nghề trên địa bàn quản lý; tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thu hồi của cơ sở (nếu có).
Trước đó, Sở Y tế Hà Nội đã ra văn bản thông báo đình chỉ lưu hành và thu hồi trên toàn quốc 4 sản phẩm mỹ phẩm dưỡng trắng da, ngăn ngừa nám không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Cụ thể, các sản phẩm yêu cầu thu hồi bao gồm: Kem dưỡng trắng da, chống nắng SPF 30, nhãn hiệu SH Today Hải Dương Cosmetics, hộp 10g, sản xuất ngày 04/03/2024, hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất, do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mỹ phẩm Hải Dương (TP. Hồ Chí Minh) sản xuất.
Sản phẩm này bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứa Methylparaben và Propylparaben, không có trong thành phần công thức đã được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Sản phẩm thứ hai là Kem nám 3 in 1, nhãn hiệu SH Today Hải Dương Cosmetics, hộp 15g, sản xuất ngày 22/11/2023, hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất, cũng do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mỹ phẩm Hải Dương sản xuất tại TP.HCM.
Sản phẩm này bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứa Propylparaben, không có trong thành phần công thức đã được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Kem dưỡng trắng da ngăn ngừa nám, nhãn hiệu Bảo Xinh, hộp 12g, sản xuất ngày 01/11/2024, hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày sản xuất, do Công ty Cổ phần Mỹ phẩm Bảo Xinh (Hậu Giang) sản xuất, cũng bị thu hồi vì mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chứa Phenoxyethanol, một chất không có trong thành phần công thức đã được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Cuối cùng, sản phẩm Kem mờ vết nám dưỡng da chống nắng, nhãn hiệu Sứ Tiên, hộp 8g, sản xuất ngày 20/02/2024, hạn sử dụng đến ngày 20/2/2027, do Công ty TNHH Sản xuất Mỹ phẩm Anh Đào (Kiên Giang) sản xuất, cũng bị thu hồi do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng vì chứa Acid salicylic, không có trong thành phần công thức đã được cấp Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở kinh doanh và sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn khẩn trương rà soát, ngừng ngay việc kinh doanh và sử dụng các lô sản phẩm nêu trên.
Các cơ sở cần trả lại sản phẩm cho nhà cung cấp và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm không đạt chất lượng. Phòng Y tế sẽ giám sát và kiểm tra việc thực hiện thu hồi của các cơ sở kinh doanh và sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn.
Về chất lượng thuốc, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 11% thuốc chữa bệnh tại các quốc gia đang phát triển là thuốc giả và có thể là nguyên nhân mỗi năm gây tử vong cho hàng chục nghìn trẻ em mắc các chứng bệnh như sốt rét hay sưng phổi.
Qua 100 cuộc nghiên cứu liên quan đến 48.000 loại thuốc chữa bệnh, các chuyên gia kết luận, trong số các loại thuốc giả, thuốc chữa trị sốt rét và nhiễm trùng chiếm gần 65%.
Riêng tại Việt Nam, tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trong thời gian gần đây khiến khá nhiều người băn khoăn, lo lắng. Thống kê của Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương cho hay, trong năm 2021, hệ thống kiểm nghiệm toàn quốc đã kiểm tra chất lượng trên 500 hoạt chất tân dược và 300 vị dược liệu; phát hiện 338 mẫu không đạt chất lượng.
Cụ thể, có 118/28.659 mẫu thuốc trong nước không đạt tiêu chuẩn chất lượng (chiếm 0,41%) và tỷ lệ này ở thuốc nhập khẩu là 26/3.042 thuốc nước ngoài (chiếm 0,86%). Bên cạnh đó, qua kiểm nghiệm, đã phát hiện 20 mẫu thuốc nghi ngờ là thuốc giả, tăng 11 mẫu so với cùng kỳ năm trước.
Được biết, Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu, đến năm 2030, 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; đảm bảo an ninh thuốc, đáp ứng yêu cầu quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố y tế công cộng và các nhu cầu cấp bách khác về thuốc.
Thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường. Tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vắc-xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ.
Việt Nam phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Tiếp nhận chuyển giao công nghệ, gia công có phối hợp chuyển giao công nghệ sản xuất ít nhất 100 thuốc biệt dược gốc, vắc-xin, sinh phẩm bao gồm cả sinh phẩm tương tự và một số thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được.
Nguồn: https://baodautu.vn/thu-hoi-thuoc-rabewell-20-khong-dat-tieu-chuan-chat-luong-d247650.html