Bộ Tài chính cho rằng nhiều quy định mới đã được bổ sung nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm xe máy. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn thấy phiền hà, thủ tục chưa rõ ràng.
Thủ tục khá đơn giản trong quy định pháp luật
Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri mới đây, Bộ Tài chính nhận định, Nghị định số 67/2023/NĐ-CP của Chính phủ đã kế thừa và bổ sung nhiều quy định mới nhằm đơn giản thủ tục bồi thường, đảm bảo quyền lợi của người mua bảo hiểm xe máy.
Theo tìm hiểu của Báo VietNamNet, Nghị định số 67 quy định: Với mức phí bảo hiểm 55.000 đồng hoặc 60.000 đồng, khi không may gây tai nạn đối với người thứ ba về sức khỏe, tính mạng, bảo hiểm sẽ chi trả cho người thứ ba tối đa 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn; về tài sản sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 50 triệu đồng/vụ tai nạn.
Khi nhận được thông báo về tai nạn, trong vòng 1 giờ, doanh nghiệp bảo hiểm phải hướng dẫn bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm các biện pháp bảo đảm an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về người và tài sản, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục yêu cầu bồi thường bảo hiểm; phối hợp chặt chẽ với bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm, người thứ ba và các bên liên quan trong vòng 24 giờ tổ chức thực hiện việc giám định tổn thất xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất làm căn cứ giải quyết bồi thường bảo hiểm.
Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm về vụ tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm phải tạm ứng bồi thường đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Trường hợp đã xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: Tạm ứng 70% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong; 50% mức bồi thường bảo hiểm ước tính theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tổn thương bộ phận.
Trường hợp chưa xác định được vụ tai nạn thuộc phạm vi bồi thường thiệt hại: Tạm ứng 30% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp tử vong và ước tính tỷ lệ tổn thương từ 81% trở lên; 10% giới hạn trách nhiệm bảo hiểm theo quy định cho một người trong một vụ tai nạn đối với trường hợp ước tính tỷ lệ tổn thương từ 31% đến dưới 81%.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày xảy ra tai nạn, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan, bên mua bảo hiểm/người được bảo hiểm phải gửi thông báo tai nạn bằng văn bản hoặc thông qua hình thức điện tử cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Có thể thấy, theo quy định nêu trên thì thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn.
Thực tế phức tạp khiến nhiều người nản lòng
Thế nhưng có vẻ như rất nhiều người dân vẫn chưa biết tới các quy định nêu trên, hoặc thiếu lòng tin vào việc làm thủ tục nhận bồi thường, cho rằng phiền hà nhiều hơn lợi ích.
Bài viết “Mua bảo hiểm xe máy bắt buộc: Thu gần 740 tỷ, chi trả hơn 28 tỷ đồng” của Báo VietNamNet đăng ngày 5/2 nhận được sự quan tâm của rất nhiều độc giả.
Độc giả Đỗ Sơn tâm sự: “Bao năm nay tôi mua bảo hiểm xe máy cũng chỉ vì sợ bị phạt khi cảnh sát giao thông kiểm tra mà không có đủ giấy tờ theo quy định chứ chẳng nghĩ sẽ được bảo hiểm chi trả khi tai nạn, mà cũng chẳng biết thủ tục thế nào để được chi trả”.
Độc giả Duy Duy cho rằng “quy trình thực hiện để được nhận bảo hiểm khó hiểu, không tường minh. Tôi chỉ biết mua chứ không biết làm thế nào để được hưởng quyền lợi”.
Theo độc giả Khoa Nguyen, thực ra với mức phí 60 nghìn thì cũng không phải nhiều nếu bảo hiểm có thể chi trả tới 150 triệu đồng/người/vụ tai nạn, quan trọng là thủ tục để được hưởng quyền lợi chưa rõ ràng.
Độc giả An nhận xét, bảo hiểm bắt buộc ở Việt Nam không thiết thực khi các công ty bảo hiểm luôn cố tình né bồi thường, viện dẫn nhiều lý do, “đẻ” ra nhiều thủ tục, định ra nhiều giấy tờ để cho người dân nản lòng mà bỏ. Nhà nước nên có chế tài với các công ty bảo hiểm, phạt thật nặng thì may ra các công ty bảo hiểm mới làm ăn đàng hoàng. Đồng thời cũng cần đơn giản hóa các loại thủ tục giấy tờ bồi thường.
Trao đổi với Báo VietNamNet, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI lưu ý: Xét về bản chất, bảo hiểm xe máy có vai trò rất quan trọng, cần thiết trong bối cảnh Việt Nam có quá nhiều vụ tai nạn xe máy, và không ít người đi xe máy gây tai nạn không đủ tiền đền bù cho nạn nhân. Khoản tiền bảo hiểm sẽ góp phần đảm bảo an sinh cho người bị nạn. Nhìn nhận ở góc độ này, nên bắt buộc mua bảo hiểm xe máy.
Tuy nhiên, trên thực tế, người dân phản ứng khá tiêu cực với câu chuyện bắt buộc mua bảo hiểm xe máy bởi quan ngại về chuyện tới lúc gặp rủi ro lại khó nhận bồi thường vì thủ tục phức tạp, doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra nhiều quy định kiểu “bắt bí” để có cớ “phủi tay”.
Chẳng hạn, theo quy định pháp luật, khi tai nạn xảy ra, người được bảo hiểm phải có trách nhiệm: Thông báo ngay cho doanh nghiệp bảo hiểm vào đường dây nóng; Không được di chuyển, tháo gỡ hoặc sửa chữa tài sản khi chưa có ý kiến chấp thuận của doanh nghiệp bảo hiểm, trừ trường hợp cần thiết để đảm bảo an toàn, đề phòng hạn chế thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản hoặc phải thi hành theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Thế nhưng không ít trường hợp tai nạn, vì quá hoảng, không nhớ ra những việc phải làm ngay, dẫn đến không đáp ứng điều kiện để được thanh toán bồi thường, đành ngậm ngùi chịu mất quyền lợi.
Nếu thực trạng này không được cải thiện, ông Đức cũng ủng hộ quan điểm bỏ bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự với xe máy.
Nguồn: https://vietnamnet.vn/thu-tuc-boi-thuong-bao-hiem-xe-may-co-thuc-su-don-gian-2368864.html