Từ ngày mai, 14-2, thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm có hiệu lực. Có thể thấy, để thông tư đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bên, trong đó đặc biệt có vai trò quan trọng của hiệu trưởng.
![Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng - Ảnh 1. Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng - Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Thong-tu-ve-day-them-hoc-them-co-hieu-luc.jpg)
Học sinh ra về sau khi học thêm tại một địa điểm ở TP.HCM – Ảnh: NHƯ HÙNG
Từ khi thông tư 29 ra đời, không ít hiệu trưởng bày tỏ nỗi lo lắng về trách nhiệm của mình. Một số hiệu trưởng cho rằng việc quản lý giáo viên dạy thêm là không hề dễ dàng.
Nỗi lo của hiệu trưởng
Thông tư quy định: hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý giáo viên của trường khi tham gia dạy thêm ngoài trường; hiệu trưởng phải phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài trường của giáo viên. Nếu phát hiện vi phạm, hiệu trưởng có quyền kỷ luật, cách chức hoặc chấm dứt nhiệm vụ chuyên môn đối với giáo viên vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.
Việc quản lý giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường có thể gặp khó khăn, đặc biệt là khi giáo viên không tự giác tuân thủ quy định. Việc xử lý vi phạm có thể gặp khó khăn do các mối quan hệ đồng nghiệp hoặc do áp lực từ các bên liên quan.
Thực hiện đúng và đủ các trách nhiệm trên thật không dễ. Thế nên, trong dư luận, đã có hiệu trưởng tính đến phương án “không ký giấy cho giáo viên tham gia dạy thêm ngoài trường để tránh phiền phức”. Dạy thêm ngoài giờ cũng là một nhu cầu lao động chính đáng của đồng nghiệp, “không ký giấy” thì về tình cảm chắc chắn không đáp ứng được, mà về lý, như thế cũng chẳng thể hợp.
Bên cạnh nỗi lo quản lý giáo viên, hiệu trưởng cũng lo lắng về nhiều chuyện khác. Lâu nay, nhiều trường học có được một nguồn thu không nhỏ từ dạy thêm học thêm. Giờ không còn khoản này nữa, vừa ảnh hưởng đến quỹ phúc lợi của trường, vừa giảm thu nhập của giáo viên, “đời sống của anh em phần nào bị giảm”.
Mà lo nhất là “thành tích có thể bị suy giảm”, vì không theo thói quen dạy và học thì học sinh có học ổn định không, hay “không đến trường thì lại ham chơi, sinh hư”, “không luyện tập đều đặn thì học hành sa sút”. Đặc biệt, không ít nhà giáo đã khẳng định “nếu không duy trì học thêm như hiện nay ở nhà trường thì có thể công sức của họ gây dựng thành tích cho học sinh ra sông ra biển, học sinh khó lòng đỗ đạt, nhất là các học sinh cuối cấp”.
Áp lực từ phụ huynh cũng có thể đến, áp lực từ cấp trên, từ đồng nghiệp thì cũng không hề nhỏ!
Cách để “cởi bỏ nỗi lo”
Tôi có chia sẻ với nhiều nhà quản lý về nội dung cuộc trả lời phỏng vấn báo chí gần đây của cô Nguyễn Thị Bội Quỳnh, hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Cô cho biết nhà trường không gặp khó khăn gì với việc thực hiện thông tư 29 vì lâu nay nhà trường vẫn tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng học sinh giỏi, tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT… mà không thu bất cứ khoản tiền nào.
Trước hết trách nhiệm của giáo viên là dạy đủ số tiết quy định, nếu dạy thêm giờ thì sẽ được trích từ quỹ chi thường xuyên để trả theo quy định dạy thêm giờ. Như thế, nếu khai thác tốt quỹ chi thường xuyên thì chắc chắn không có tình trạng giáo viên dạy không công.
Không ít người phản hồi với tôi rằng “rất khó, chưa chắc họ đã làm được như trường của cô Quỳnh”. Họ chia sẻ rằng ở địa phương của họ, phần chi cho các trường học rất cứng nhắc, quỹ chi thường xuyên rất ít, họ cũng khó có thể tham mưu cho chính quyền địa phương để thay đổi! Vì thế, nếu không có cơ chế từ địa phương thì dám chắc rằng trường học khó lòng xoay xở.
Qua tìm hiểu thực tế, tôi cũng nhận thấy khá nhiều hiệu trưởng mặc định thói quen quản lý “giáo viên dạy theo tiết và việc được phân, còn thời gian trống thì được nghỉ”. Vì thế, chúng ta chưa làm được nhiều việc của nhà trường như: lập kế hoạch bồi dưỡng học sinh yếu, học sinh giỏi (thường xuyên, liên tục), bồi dưỡng chuyên môn cho từng đối tượng giáo viên, phối hợp giáo dục…
Việc này đã diễn ra một thời gian dài, sức ì của nhà quản lý cũng lớn. Nay có việc cụ thể là quản lý giáo viên, những hiệu trưởng này chắc chắn gặp nhiều vướng mắc.
Soi chiếu vào chức năng nhiệm vụ của nhà trường mới thấy thông tư 29 như một cái kính, chỉ ra khá nhiều việc mà nhà trường đã bỏ quên hoặc lơ là thực hiện. Nhất là lập kế hoạch giáo dục sát với đối tượng học sinh và quản lý nhân lực. Và tất nhiên, đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những trường học bị động, chưa thực hiện tốt những việc này.
Xin nói thêm, việc lập kế hoạch giáo dục sát với đối tượng là yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, và không chỉ bao hàm tiêu chí dựa vào “sức học” của học sinh, mà còn phải dựa vào những yếu tố khác như thể chất, phẩm chất, lối sống, hướng nghiệp… Bên cạnh đó, kế hoạch giáo dục này cần được xây dựng trên sự tham gia minh bạch, dân chủ cho cả cộng đồng sư phạm của nhà trường. Từ đó chế độ lao động của từng giáo viên, nhân viên được xác định công bằng, hợp lý, hiệu năng, hiệu quả.
![Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng - Ảnh 2. Thông tư về dạy thêm, học thêm có hiệu lực: Vai trò quan trọng của hiệu trưởng - Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739414527_279_Thong-tu-ve-day-them-hoc-them-co-hieu-luc.jpg)
Nhiều người lo ngại việc siết dạy thêm, học thêm sẽ ảnh hưởng tới việc ôn tập cho học sinh cuối cấp. Trong ảnh: học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 – Ảnh: NAM TRẦN
Nhân tố quan trọng
Việc thực hiện thông tư 29 ở giai đoạn đầu tiên sẽ gặp nhiều thách thức. Nhưng tính ưu việt của thông tư này rất rõ ràng, thực hiện tốt chắc chắn sẽ giúp cho hệ thống giáo dục có sự thay đổi vượt bậc về quản lý dạy và học.
Hiệu trưởng sẽ là nhân tố quan trọng, giúp cho các giáo viên, các phụ huynh thông hiểu, thực hiện đúng quy định. Đồng thời từ năm học sau, việc xây dựng kế hoạch giáo dục sẽ sát hơn, việc điều hành hoạt động toàn diện của nhà trường sẽ chất lượng hơn. Những điều này hứa hẹn sự tự chủ, tự chịu trách nhiệm của trường học trong mối quan hệ minh bạch, dựa trên quản lý hiệu quả đội ngũ.
Nhiều vấn đề nảy sinh
Thông tư 29 có hiệu lực đồng nghĩa với việc giáo viên cần làm việc có hiệu quả bằng khai thác giờ làm việc hành chính. Việc này nảy sinh những vấn đề như: những việc ngoài giờ hành chính mà giáo viên trước nay vẫn làm thì bố trí như thế nào? Giao việc cho giáo viên thế nào trong giờ hành chính? Chấm bài, soạn giáo án thì dễ bố trí, nếu huy động giáo viên làm ngoài giờ hành chính thì nhà trường sẽ tính chi trả thế nào?
Một quận ở TP.HCM ra văn bản triển khai quy định về dạy thêm
UBND quận 12, TP.HCM vừa có văn bản triển khai quy định về dạy thêm theo thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo đó, UBND quận 12 giao Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 chủ trì, phối hợp UBND các phường thành lập tổ kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn trong tháng 2-2025; xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm phát sinh (nếu có); tổ chức triển khai đến ban giám hiệu các trường công lập, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận nghiêm túc thực hiện quy định về hoạt động dạy thêm, học thêm.
Văn bản cũng nêu rõ UBND quận 12 đề nghị ban giám hiệu các trường công lập, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận quán triệt đến giáo viên, người lao động của nhà trường, đảm bảo 100% cán bộ, giáo viên, người lao động nắm rõ thông tư 29 và các văn bản chỉ đạo của địa phương; Phòng Giáo dục và Đào tạo quận 12 chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để xảy ra vi phạm về dạy thêm, học thêm trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động các trường công lập.
UBND quận 12 yêu cầu hiệu trưởng các trường công lập, lãnh đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận thường xuyên rà soát, nhắc nhở về quy định dạy thêm, học thêm trong cán bộ, giáo viên nhà trường; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định; thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND quận nếu để xảy ra vi phạm về dạy thêm, học thêm trong cán bộ, giáo viên, người lao động của đơn vị.
UBND quận 12 cũng giao chủ tịch UBND phường chịu trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm trên địa bàn; thực hiện giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về thời giờ làm việc, giờ làm thêm và các quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ của các tổ chức, cá nhân dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn…
Nguồn: https://tuoitre.vn/thong-tu-ve-day-them-hoc-them-co-hieu-luc-vai-tro-quan-trong-cua-hieu-truong-20250213064649335.htm