NDO – “Chúng ta đã tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế”, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương do Chính phủ tổ chức sáng 8/1.
Cùng dự tại điểm cầu chính Trụ sở Chính phủ có Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Thường trực Ban Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương. Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Sau khi nghe tham luận của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiệt liệt hoan nghênh, ghi nhận, chúc mừng, biểu dương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, cộng đồng doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài về những nỗ lực phấn đấu và những kết quả, thành tích đã đạt được trong năm 2024, tạo nền tảng, động lực mới, khí thế mới, tâm thế mới cho việc thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2025 và Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tạo đà cho mục tiêu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch mà Đại Hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu 100 năm thành lập Đảng và 100 năm thành lập nước.
Tổng Bí thư nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 – năm tăng tốc, bứt phá, về đích, đồng thời là năm tập trung tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, đánh dấu thời điểm đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc. Trên tinh thần, đó Tổng Bí thư lưu ý một số nội dung, định hướng trọng tâm sau đây:
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức và hành động về sự cấp bách phải tiếp tục tiến hành công cuộc đổi mới về kinh tế: chúng ta đã tổng kết 40 năm đổi mới và thống nhất rằng cần phải đổi mới mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, cách mạng, toàn diện hơn nữa trong quản lý kinh tế. Ưu tiên hàng đầu là tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng “Tinh-Gọn-Mạnh-Hiệu năng-Hiệu lực-Hiệu quả”.
Điều này không chỉ là cắt giảm mà còn đòi hỏi cải cách sâu rộng quản trị Nhà nước, minh bạch hóa, và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong hành chính, kinh tế, tài chính-ngân sách, và quản lý tài nguyên. Đồng thời, cần tăng tính chủ động, sáng tạo, tự lực và trách nhiệm giải trình của chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu. Cần bỏ tư duy “không quản được thì cấm”, đề cao phương pháp “quản lý theo kết quả”, đổi mới phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra, và chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, tạo không gian mới và động lực phát triển.
Sửa đổi pháp luật và cơ chế quản lý để trao quyền tự quyết, chủ động nhiều hơn nữa cho các cấp chính quyền. Việc này cần đi đôi với cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực chặt chẽ, bảo đảm không để xảy ra lạm dụng quyền hạn vì lợi ích cá nhân. Tư duy đổi mới cần khơi dậy tính năng động, sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ quản lý các cấp. Thực hiện cải cách mạnh mẽ hệ thống tài chính, ngân hàng, tiền tệ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm minh bạch, đồng bộ, công bằng, và nhanh chóng khắc phục những chồng chéo, bất cập trong hệ thống hiện hành, tạo nền tảng pháp lý ổn định, dễ tuân thủ.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ hai, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát là mục tiêu then chốt để xây dựng nền kinh tế vững mạnh, ổn định quán triệt phương châm “phát triển để ổn định – ổn định để phát triển”. Để đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, coi trọng chất lượng tăng trưởng và phấn đấu tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030, cần phải thực hiện các giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Trong đó, cần đẩy mạnh đột phá về thể chế, đề cao nguyên tắc thị trường trong huy động và phân bổ nguồn lực, đồng thời loại bỏ cơ chế “xin – cho” và tư duy bao cấp. Cần phát huy sức mạnh từ nhân dân và mọi thành phần kinh tế bằng cách xây dựng một nền hành chính hiệu quả, năng động, và môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, chi phí thấp, đạt chuẩn quốc tế để thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và làm giàu.
Nhà nước phải bảo vệ quyền tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích phát triển các mô hình kinh doanh dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí. Hoàn thiện cơ chế thử nghiệm (sandbox) để hỗ trợ phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; cải cách doanh nghiệp nhà nước theo hướng minh bạch, hiệu quả, thúc đẩy vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân. Thực hiện chính sách “khoán tăng trưởng” cả về số lượng và chất lượng cho các địa phương đi kèm với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm tạo sự năng động, sáng tạo để các địa phương tự tìm cơ chế, chính sách và giải pháp nhằm đạt mức tăng trưởng hai con số.
Chuyển đổi số quốc gia cần được đẩy mạnh, phát triển kinh tế số và tăng cường kết nối giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ ba, cần tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược, trọng điểm và quan trọng quốc gia, đặc biệt, các dự án về hạ tầng giao thông đường bộ và đường sắt cao tốc, cảng biển, sân bay, năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc, trên 1.000km đường bộ ven biển và khởi công tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng. Thực hiện hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế và chính sách phát triển điện lực và năng lượng tái tạo, đặc biệt là hydrogen, điện hạt nhân. Cần ưu tiên phát triển hạ tầng số quốc gia, hạ tầng đổi mới sáng tạo và xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển của nền kinh tế số, các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ mới, đồng thời tạo ra các cơ hội mới trong các lĩnh vực như công nghệ tài chính, thương mại điện tử, giáo dục số, y tế số… Cần đẩy mạnh thương mại hóa 5G và nghiên cứu công nghệ 6G, phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Đặc biệt, tăng cường nghiên cứu và triển khai các chương trình khai thác hiệu quả không gian vũ trụ, không gian biển và không gian ngầm.
Thứ tư, tập trung thực hiện hiệu quả và thực chất công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, gắn liền với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Việc phát triển nhanh nhưng phải bền vững cần được xây dựng trên nền tảng khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và đặc biệt là lấy con người làm trung tâm, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao hay công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới.
Cùng với đó, thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp để có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có tay nghề cao và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và yêu cầu công việc do quá trình chuyển đổi số mang lại. Xây dựng các nền tảng số kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức nhằm giúp tối ưu hóa các quy trình, tăng cường khả năng phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.
Thứ năm, chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, và xây dựng con người Việt Nam có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội xây dựng môi trường sống trong lành, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Cần hun đúc, nuôi dưỡng tư duy của trẻ em ngay từ khi cắp sách đến trường một tinh thần tự học, tinh thần tự giác, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, sống có hoài bão, lý tưởng và ý chí vươn lên.
Việc đầu tư phát triển văn hóa cần hài hòa với kinh tế và xã hội, tạo dựng một xã hội văn minh, đoàn kết và tiến bộ. Ban hành cơ chế khuyến khích phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm văn hóa giá trị, phát huy tiềm năng và bản sắc dân tộc. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 để nâng cao đời sống tinh thần, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong hội nhập quốc tế. Tổ chức các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn năm 2025. Xây dựng hệ thống chính sách xã hội toàn diện, hiện đại và bền vững.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững và hỗ trợ nhóm yếu thế. Đổi mới biện pháp dự báo và giám sát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiệu quả. Chính sách về dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng cần công bằng, hiệu quả, hướng tới môi trường sống an toàn, thân thiện. Thúc đẩy bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ, phòng chống bạo lực gia đình, và phát triển thể dục thể thao như yếu tố quan trọng nâng cao chất lượng đời sống người dân. Quyết liệt triển khai các sáng kiến và cam kết tại COP26. Thực hiện hiệu quả Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh tại đồng bằng sông Cửu Long. Triển khai Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai, tập trung vào các giải pháp phòng chống sạt lở đất tại miền núi phía bắc và đồng bằng sông Cửu Long.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: TRẦN HẢI) |
Thứ sáu, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục xây dựng và củng cố thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc. Đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Quản lý chặt chẽ vùng trời, vùng biển, biên giới và không gian mạng; tăng cường đầu tư cho các hệ thống giám sát hiện đại và phối hợp giữa các lực lượng chức năng, bảo vệ chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp của đất nước.
Tập trung vào việc xây dựng quân đội “tinh, gọn, mạnh” với trọng tâm là nâng cao chất lượng huấn luyện, khả năng chiến đấu, và sự linh hoạt trong tác chiến. Tăng cường đầu tư vào công nghiệp quốc phòng, nghiên cứu phát triển các công nghệ quốc phòng hiện đại, nhằm bảo đảm quân đội luôn có đủ trang bị, phương tiện hiện đại phục vụ nhiệm vụ bảo vệ đất nước. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế.
Thứ bảy, tập trung thực hiện các giải pháp quyết liệt để đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trước hết, cần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc nhưng không bao biện hay buông lỏng. Các cấp ủy đảng phải thể hiện vai trò lãnh đạo thông qua hệ thống chính trị, kết hợp với tinh thần tiên phong, gương mẫu và tự phê bình, phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên. Đồng thời, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối thành pháp luật, tạo nền tảng pháp lý cho việc thực hiện chính sách.
Công tác vận động, thuyết phục nhân dân phải được tăng cường, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân và xây dựng Nhà nước “của dân, do dân, vì dân”… Thực hiện nghiêm túc các kết luận của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, kiên quyết ngăn chặn suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và các biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa.” Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, đồng thời duy trì và phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức của Đảng. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cần được thực hiện mạnh mẽ, không ngừng nghỉ. Tiến hành điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng, tiêu cực, đồng thời tăng cường thu hồi tài sản thất thoát, minh bạch hóa hoạt động công vụ và kiểm soát tài sản của cán bộ, đảng viên.
Thứ tám, đây là phần câu hỏi mở cho các đồng chí. Chúng ta đã nói rất nhiều về việc chuẩn bị “Tổ” cho “Đại bàng”, điều này rất đúng, rất nên làm. Nhưng tại sao chúng ta ít đề cập tới kế hoạch chuẩn bị những “cánh rừng”, những “cánh đồng” cho các “đàn ong” lấy hoa làm mật? tại sao chúng ta chưa đưa ra các chỉ tiêu tạo ra việc làm mới cho từng giai đoạn, cho từng lĩnh vực? giai đoạn tới sẽ có hàng trăm ngàn lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó.
Giai đoạn tới sẽ có hàng trăm ngàn lao động rời khỏi khu vực nhà nước do tác động của tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị. Vậy Chính phủ có chính sách gì để khu vực ngoài nhà nước có thể tiếp nhận một phần trong số đó.
Tổng Bí thư Tô Lâm
Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón năm mới 2025 và những sự kiện trọng đại của đất nước, Tổng Bí thư mong muốn các đồng chí lãnh đạo, từng cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức sẽ thấm nhuần tư tưởng trung tâm “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”. Coi đây là kim chỉ nam cho mọi hành động, quyết sách và là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp phát triển đất nước trong giai đoạn tới. Để thực hiện tư tưởng này, chúng ta cần quán triệt và hành động khẩn trương, quyết liệt, biến nhận thức thành hành động cụ thể, ý chí thành hiện thực. Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với nhân dân.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với việc Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian đến dự và chỉ đạo Hội nghị; đặc biệt những ý kiến phát biểu chỉ đạo tâm huyết, trí tuệ, sâu sắc, toàn diện của Tổng Bí thư đối với công tác của Chính phủ. Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn, tư tưởng chỉ đạo sát sao, định hướng xuyên suốt đối với Chính phủ, chính quyền địa phương trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Nhân dịp này, Chính phủ một lần nữa tri ân, cảm ơn, đánh giá cao sự đóng góp rất quan trọng của Tổng Bí thư Tô Lâm trong suốt gần 9 năm làm Thành viên Chính phủ; nhấn mạnh, Chính phủ tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo tâm huyết, trách nhiệm của Tổng Bí thư tại Hội nghị để đưa vào Nghị quyết năm 2025.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ, tạo điều kiện của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ban Đảng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, nhân dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, chính quyền địa phương trong năm 2024.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, do đó chúng ta phải rà soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2025, đặc biệt là chỉ tiêu phải hoàn thành trong nhiệm kỳ này, những chỉ tiêu làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn, những chỉ tiêu làm chưa tốt thì phải phấn đấu, phải có giải pháp thiết thực, cụ thể; tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy, bảo đảm đi vào hoạt động bình thường, thông suốt, hiệu quả; làm tốt việc kỷ niệm trọng thể các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước để giáo dục truyền thống, tạo khí thế cho dân tộc. Chính phủ các bộ, ngành, địa phương cần tập trung với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tinh gọn hiệu quả, tăng tốc bứt phá” thực hiện đúng quan điểm “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, làm việc nào dứt việc đó.
Thủ tướng nhấn mạnh một số điểm: Ưu tiên cho tăng trưởng. Năm nay có đổi mới, Chính phủ sẽ rà soát, giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các bộ, ngành, địa phương, nhất là bảo đảm tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số; đồng thời xây dựng kịch bản để bảo đảm tăng trưởng đạt được như kế hoạch đề ra; trong đó, có làm mới lại các động lực tăng trưởng cũ, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới tập trung những ngành mới nổi như dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật, y sinh học, quang điện tử, công nghiệp văn hóa-giải trí. Xây dựng chính sách tạo đột phá huy động các nguồn lực xã hội; khai thác hiệu quả các nguồn lực từ doanh nghiệp, phát triển mạnh tư nhân.
Triển khai tích cực, hiệu quả việc sắp xếp tổ chức bộ máy; đề nghị các bộ, ngành, địa phương, những gì làm được thì triển khai ngay theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương; những gì còn vướng thì tiếp tục lắng nghe, cầu thị những ý kiến xác đáng để hoàn thành nhưng tinh thần phải hoàn thành công việc này theo theo chỉ đạo; đến nay. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đây là động lực mới, được ví như “khoán 10” trong khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, thực sự là động lực tăng trưởng mới.
Về 3 đột phá chiến lược, Thủ tướng nêu rõ, về đột phá về thể chế, đây là “điểm nghẽn của điểm nghẽn” nhưng cũng là “”đột phá của đột phá”, cần rà soát lại hệ thống pháp luật. Thực hiện đột phá về thể chế, góp phần giảm chi phí tuân thủ của người dân; đột phá về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông chiến lược, y tế, giáo dục, hạ tầng số…, đẩy mạnh và dành nguồn lực để hoàn thành mục tiêu như phát triển hệ thống đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt, nhà máy điện hạt nhân; coi trọng đầu tư phát triển hạ tầng về văn hóa giáo dục cũng cần đầu tư phát triển để phát triển công nghiệp văn hóa, giải trí. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.
Phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội; văn hóa là sức mạnh nội sinh; phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa hào hùng của dân tộc; tổ chức tốt các ngày kỷ niệm lớn; thực hiện các chính sách xã hội tập trung cho các việc lớn là chăm lo cho người nghèo, cụ thể là hoàn thành việc xoá nhà tạm, nhà dột nát; phát triển 100 nghìn căn nhà ở xã hội; chăm lo cho người có công với cách mạng, người yếu thế, đồng bào khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; các dự án lớn chống biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long như chống sạt lở, sụt lún, khô hạn, ngập mặn; dự án chống sạt lở ở miền núi phía bắc, miền trung, dự án chống ô nhiễm không khí ở các thành phố lớn, chống ùn tắc giao thông…; giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển. Chúng ta phải đẩy mạnh tiềm lực quốc phòng-an ninh; tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức lãnh đạo của của tổ chức Đảng, đảng viên; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; tập trung giải quyết các dự án tồn đọng…
Nguồn: https://nhandan.vn/thong-nhat-nhan-thuc-va-hanh-dong-ve-su-cap-bach-phai-tiep-tuc-tien-hanh-cong-cuoc-doi-moi-ve-kinh-te-post854976.html