Bản Giàng là thôn xa nhất, khó khăn nhất của xã Pa Cheo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp uỷ, chính quyền địa phương, diện mạo vùng quê nghèo nơi đây đang từng bước thay da, đổi thịt.

Thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát (Lào Cai) được bao quanh bởi núi rừng xanh bạt ngàn. Ảnh: Mùa Xuân.
Xoá bỏ cây thuốc phiện, Bản Giàng xây dựng cuộc sống mới
Từ trung tâm xã Pa Cheo, chúng tôi đi theo đường trục chính qua các thôn Tả Lèng, Séo Pa Cheo, Tả Pa Cheo rồi rẽ phải leo dốc với những khúc cua tay áo gập ghềnh. Vượt qua con dốc cao thẳng đứng tới đỉnh núi để xuống thôn Bản Giàng là khu rừng già tái sinh xanh bạt ngàn, dưới tán rừng là những cây thảo quả…
Từ đỉnh núi xuống dốc, con đường vào Bản Giàng đã được bê tông hoá khang trang, kiên cố. Những cột điện bê tông đứng lừng lững hiên ngang mang ánh sáng điện lưới quốc gia xuyên núi rừng về từng hộ dân trong thôn.
Màn sương mù dày đặc trên con đường về thôn vùng cao tan dần khi mặt trời lên cao, gần 55 nóc nhà của thôn Bản Giàng với mái tôn xanh, đỏ… ẩn hiện, được bao quanh bởi những cánh rừng, dãy núi cao vời vợi.
Đến đầu thôn Bản Giàng, anh Sùng A Dế vừa mới đi cắt cỏ cho trâu về, với lòng mến khách, sau cái bắt tay, anh Dế vui mừng mời chúng tôi vào nhà.
Ngồi bên bếp lửa sưởi ấm xua tan cái lạnh đầu xuân, chúng tôi hàn huyên câu chuyện với anh Dế, được nghe anh kể về những gian khó của vùng đất này.

Những ngôi nhà mới khang trang mọc lên ở thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát. Ảnh: Mùa Xuân.
Anh Sùng A Dế nhớ lại: Bà con chúng tôi vốn gốc là đồng bào Mông ở các thôn Tả Pa Cheo, Pờ Xì Ngài lên đây khai hoang phát triển kinh tế.
Những năm 80 của thế kỷ XX, bà con chúng tôi vào đây ngoài trồng lúa nước, còn trồng cây thuốc phiện để đổi lấy muối, gạo… Những khu rừng xanh, thảo quả nơi nhà báo mới đi qua, trước đây đều là vựa thuốc phiện cả đấy.
Ngày đó, tôi từng tham gia lực lượng dân quân tự vệ, là thanh niên cường tráng chưa lập gia đình đã cùng lực lượng công an đi phá cây thuốc phiện.

Những thửa ruộng bậc thang canh tác lúa nước mang lại ấm no cho bà con thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát. Ảnh: Phạm Thuý.
Theo anh Dế, từ những năm 1990 – 2000, đề án của Chính phủ về xoá bỏ cây thuốc phiện được triển khai quyết liệt. Đồng thời, trồng thay thế cây thuốc phiện bằng những cây trồng khác được tỉnh Lào Cai lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân vùng cao, vùng sâu, vùng xa.
Từ đó, cây thuốc phiện được đẩy lùi, nhận thức của người dân đã dần nâng lên, người dân không tái trồng cây thuốc phiện mà đã mở rộng diện tích lúa ruộng bậc thang, trồng cây sa nhân, thảo quả…

Người dân thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo phát triển chăn nuôi đại gia súc. Ảnh: Mùa Xuân.
“Gia đình tôi hiện có khoảng 10 thửa ruộng, ở đây mỗi năm chỉ trồng một vụ lúa mùa, thu về hơn 40 bao thóc đủ ăn cả năm không hết. Để có thêm thu nhập, gia đình tôi trồng thêm sa nhân, thảo quả, chăn nuôi con trâu, bò và nuôi gà, con lợn…”, anh Dế tâm sự.
Anh Sùng A Hù, thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo được biết đến là một trong những gương nông dân nỗ lực vượt khó vươn lên làm giàu đầu tiên ở mảnh đất xa xôi, cách trở, nơi từng bị cây thuốc phiện bủa vây.
Nhắc lại chuyện quá khứ, anh Hù bảo rằng, khoảng năm 1979, bố anh Hù là một trong những hộ dân đầu tiên ở Pờ Xí Ngài lên vùng đất thôn Bản Giàng để khai hoang trồng lúa ruộng mở hướng phát triển kinh tế mới.
Nơi đây bao quanh là rừng núi cao, mỗi lần người dân lên khu vực đỉnh núi cao có thể nhìn thấy những vùng đất bao quanh như xã Phìn Ngan, xã Bản Xèo… rất đẹp, bởi thế mà cái tên “Bản Giàng” được những người già đặt cũng xuất phát từ đó.
Đổi thay Bản Giàng
Anh Sùng A Hù chia sẻ: Xa rồi những mùa hoa anh túc, giờ bà con chúng tôi được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư hỗ trợ mở đường, hỗ trợ kéo điện cùng nhiều dự án khác, cuộc sống mới đang dần hiện hữu, những ngôi nhà xây mới, nhà gỗ lợp tôn xanh, đỏ đẹp lắm.
Gia đình tôi, ngoài duy trì khoảng 1ha lúa ruộng, thu 100 bao thóc/vụ, từ năm 2016, gia đình tôi đã trồng đào để bán cành, riêng dịp Tết năm 2025 này, gia đình tôi thu về 150 triệu đồng từ bán cành đào, phấn khởi lắm. Với giá trị kinh tế cao, tôi đã trồng mới thêm được 6.000 gốc đào trên đất dốc nữa.

Điện lưới quốc gia về thôn Bản Giàng. Ảnh: Mùa Xuân.
Cũng theo anh Hù, ngoài trồng đào, chăn nuôi nhỏ lẻ, trồng lê, gia đình anh Hù còn trồng thử nghiệm cây sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được 3 năm, nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, cây sâm đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Phát huy tiềm năng lợi thế được thiên nhiên ưu đãi có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm, đất đai màu mỡ, bà con Bản Giàng đã đa dạng hoá các loại cây trồng để phát triển kinh tế. Trên nương bà con trồng cây ngô, cây dược liệu, cây ăn quả và trồng đào bán cành…; dưới ruộng thì trồng lúa nước bảo đảm lương thực tại chỗ.
Cùng với sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước từ các chương trình, dự án như phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế… người dân đã được tiếp cận để chăm lo sức khoẻ tốt hơn, trẻ đến độ tuổi được đến trường.
Anh Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Giàng cho biết: Thôn Bản Giàng hiện có 54 hộ dân, với trên 283 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Bà con luôn đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, cần cù, chăm chỉ, chịu khó lao động sản xuất.
Hiện, cả thôn đang duy trì 19 ha lúa ruộng bậc thang, 17 ha ngô. Thực hiện dự án về phát triển trồng cây ăn quả ôn đới, năm 2024, thôn Bản Giàng được hỗ trợ trồng mới 5ha lê VH6, với 6 hộ tham gia, nâng tổng diện tích cây lê của thôn lên hơn 10 ha.
Cùng với đó, con đường nối từ Trung tâm xã Pa Cheo vào đến thôn đã cơ bản được bê tông hoá khang trang, đẹp, thuận tiện. Trước đây, khi con đường giao thông về thôn chưa được nâng cấp, mở rộng, người dân gặp nhiều khó khăn, có cân thóc, bao ngô, con lợn, con gà mang đi bán để mua sắm mắm muối phục vụ cuộc sống sinh hoạt trong gia đình cũng khó.

Người dân thôn Bản Giàng tích cực phát triển cây lê để nâng cao thu nhập. Ảnh: Phạm Thuý.
“Bây giờ thì điện lưới quốc gia được kéo vào tận thôn thắp sáng từng hộ dân; con đường nối từ thôn Séo Pa Cheo về thôn đã gần được đổ bê tông hoá hoàn thành, bà con ai nấy đều vui mừng, phấn khởi.
Điều bà con mong muốn nhất trong thời gian tới đó là phủ sóng điện thoại di động, internet để bà con có thông tin liên lạc thông suốt, được truy cập thông tin trên mạng để phát triển kinh tế”, ông Sáng nói.

Đường vào thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo, huyện Bát Xát được bê tông hoá. Ảnh: Phạm Thuý.
Mang câu chuyện ở thôn Bản Giàng về UBND xã Pa Cheo, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Pa Cheo, huyện Bát Xát cho biết: Những năm trước đây, Bản Giàng được gọi với cái tên là thôn 3 không: Không điện, không đường bê tông, không trạm phát sóng điện thoại di động.
Hiện con đường vào thôn đã được Nhà nước hỗ trợ đổ bê tông, điện thắp sáng đã về đến nơi, nhà văn hóa thôn cũng được xây mới. Đối với sóng điện thoại di động thì trong năm 2025 này đã có dự án đầu tư để phục vụ nhu cầu thông tin liên lạc cho người dân.
Ngoài ra, để giúp người dân thôn Bản Giàng cũng như bà con ở các thôn khác vươn lên thoát nghèo, xã Pa Cheo đang tích cực triển khai các chương trình dự án có hiệu quả, như: Trồng lê VH6; chăn nuôi lợn đen, gà bản địa; nuôi cá nước lạnh…
Nguồn: https://danviet.vn/thon-vung-cao-o-lao-cai-truoc-chim-trong-hoa-anh-tuc-nay-trong-lua-ngo-cay-an-qua-ma-giam-ngheo-lam-giau-20250218112159354.htm