Năm 2025 tiếp tục dự báo đầy thách thức cho thị trường thương mại điện tử song cũng mở ra nhiều cơ hội nếu doanh nghiệp có khả năng vận hành linh hoạt, rõ ràng.
Khởi sắc nhưng không đồng đều
Theo Báo cáo Toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến 2024 và dự báo 2025 do Metric mới công bố, tổng doanh số 5 sàn thương mại điện tử phổ biến nhất tại Việt Nam là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo đạt 318.900 tỷ đồng, tăng 37,36% so với năm 2023. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 3.421 triệu sản phẩm, tăng mạnh 50,76%.
Năm 2024, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng chứng kiến sự gia tăng đáng kể của hàng nhập khẩu với hơn 324,1 triệu sản phẩm tiêu thụ, doanh số đạt 14.200 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 37,9% và 42,9% so với năm trước.
![]() |
Doanh số 5 sàn thương mại điện tử phổ biến tại Việt Nam là Shopee, Lazada, TikTok Shop, Tiki và Sendo năm 2024 tăng 37,36% so với năm 2023. Ảnh: Phương Thảo |
Sự thay đổi này được nhận định do hệ thống logistics được cải thiện giúp thời gian vận chuyển nhanh hơn, giảm thiểu rủi ro thất lạc hoặc giao hàng chậm. Các nền tảng thương mại điện tử cũng cung cấp chính sách đổi trả, bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, giúp giảm rủi ro khi mua hàng từ nước ngoài. Ngoài ra, giá cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế cũng là yếu tố quan trọng.
Tuy nhiên, năm qua, số lượng cửa hàng phát sinh đơn hàng lại giảm tới 20,25% (tương đương 165.000 shop rời bỏ thương mại điện tử). Theo Metric, lý do số lượng shop rời bỏ thị trường là vì nhiều nhà bán hàng nhỏ lẻ hoặc hoạt động không hiệu quả đã phải nhường chỗ cho những thương hiệu có chiến lược kinh doanh rõ ràng, danh mục sản phẩm phù hợp với thị hiếu và khả năng vận hành linh hoạt hơn.
Còn kết quả khảo sát 15.000 nhà bán hàng trên toàn quốc do Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo thực hiện mới đây cũng cho thấy, hơn 80% nhóm có doanh thu tăng trưởng đang lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025. Nhiều nhà bán hàng có kế hoạch phát triển các chiến lược mới như livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng xã hội.
“Song nếu so sánh tương quan với kết quả khảo sát trong 6 năm trở lại đây, tỷ lệ nhà bán hàng có sự tăng trưởng doanh thu của năm 2024 cao hơn 2023 nhưng vẫn chưa đạt được con số tích cực như năm 2022. Tăng trưởng không đồng đều trên nhóm kênh bán hàng chính“, đại diện Sapo nhận định.
Đáng nói, tốc độ tăng trưởng của các hình thức bán hàng trực tuyến trong năm 2024 vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Cạnh tranh gay gắt đến từ sàn thương mại điện tử quốc tế gia nhập vào thị trường (Temu, Shein) hay thông quan trực tiếp về Việt Nam (Taobao Alibaba) đã khiến áp lực với nhóm bán thương mại điện tử càng lớn hơn bao giờ hết.
Mặt khác, phí nền tảng kinh doanh trên sàn đã tăng hơn so với các năm trước, đi kèm với đó là thuế được quản lý chặt chẽ hơn, nhà bán hàng đối mặt với thách thức trong việc tối ưu chi phí vận hành để đảm bảo được lợi nhuận.
Tất cả những điều này cho thấy phần nào sự cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt của thị trường thương mại điện tử. Trong bối cảnh như vậy, doanh nghiệp bán lẻ cần nắm bắt, tận dụng cơ hội từ các dịp mua sắm lớn, tối ưu chiến lược sản phẩm và nâng cao trải nghiệm khách hàng để duy trì, phát triển thị phần.
Xu hướng 2025 và khuyến nghị cho nhà bán lẻ
Chia sẻ về xu hướng của thị trường trong năm 2025, bà Cao Mỹ Hạnh – Quản lý Thương hiệu và Quan hệ công chúng, Công ty Cổ phần Công nghệ Sapo – cho biết: 59% nhà bán hàng rất lạc quan về tình hình kinh doanh năm 2025. Vì vậy, đông đảo nhà bán hàng muốn mở rộng kinh doanh thay vì tiết kiệm chi phí: 46% muốn mở thêm kênh bán, 45,8% dự định sẽ đa dạng mặt hàng và 30,8% muốn mở rộng quy mô, thêm chi nhánh, nhân viên. Mở rộng kênh bán hàng là chiến lược trọng tâm của 2025, bao gồm mạng xã hội (28%), sàn thương mại điện tử (23%) và TikTok Shop (21%).
Song để bắt nhịp nhanh chóng với thị trường, đạt được mục tiêu doanh thu như kỳ vọng, nhà bán hàng nên ưu tiên áp dụng công nghệ và chăm sóc khách hàng trong mức phù hợp với ngân sách, đảm bảo được lợi nhuận, chi phí không bị đội lên quá cao.
Tập trung vào chiến lược nâng cao trải nghiệm khách hàng, chương trình khách hàng thân thiết để giữ chân khách hàng, thay vì chạy theo chương trình chăm sóc khách hàng tốn kém, nhà bán hàng có thể triển khai các hình thức khuyến mại nhỏ như giảm giá theo combo sản phẩm hoặc tặng quà đi kèm chi phí thấp. Những chương trình đơn giản nhưng nhắm đúng nhu cầu khách hàng có thể làm tăng tần suất mua sắm đáng kể. Với nhà bán hàng nhỏ lẻ, các chương trình giảm phí vận chuyển nội thành hoặc khuyến mại giờ vàng cũng có thể mang lại hiệu quả mà không cần chi tiêu quá lớn.
Đồng thời, tăng cường khai thác thương mại xã hội để giảm áp lực thuế phí, sáng tạo nội dung, tận dụng các nguồn quảng bá chi phí thấp. Theo đó, nhà bán hàng nhỏ lẻ có thể tận dụng các buổi livestream, video ngắn hoặc tiếp thị liên kết trên Facebook và TikTok để tương tác trực tiếp với khách hàng, xây dựng uy tín thương hiệu và gia tăng doanh thu mà không cần chi nhiều cho quảng cáo trả phí.
Ngoài ra, việc kết hợp các chương trình khuyến mại nhỏ như tặng quà hoặc giảm giá trong phiên phát trực tiếp có thể thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn, giúp tăng cơ hội chuyển đổi đơn hàng hiệu quả.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường thương mại điện tử Việt Nam thời gian tới sẽ xuất hiện nhiều xu hướng mua sắm mới. Bên cạnh đó, việc các sàn thương mại điện tử luôn tung ra những chương trình kích cầu mua sắm rầm rộ… cho thấy “cuộc đua” thương mại điện tử ngày càng trở nên gay gắt hơn. Do đó, cần sự chung tay của các bộ, ngành đưa ra nhiều chiến lược và giải pháp tổng thể, hướng đến các mục tiêu như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tăng cường liên kết vùng; phát triển xanh và bền vững…
Kết quả khảo sát của Sapo cũng cho thấy, 100% nhà bán hàng dự định trong năm 2025 nhắc đến việc mở rộng kênh bán trực tuyến như TikTok Shop, Shopee, Facebook… Điều này cho thấy, nhà bán hàng vẫn xem các kênh online là trọng tâm, khẳng định vị thế của thương mại điện tử trong bán lẻ hiện đại năm 2025. |
Nguồn: https://congthuong.vn/thi-truong-thuong-mai-dien-tu-con-nhieu-thach-thuc-372223.html