Theo báo cáo của FiinGroup, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang trong tình trạng cầu vượt cung. Cụ thể, tổng nguồn cung căn hộ của 2 thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM liên tục giảm kể từ năm 2019.
Đơn cử, năm 2018, tổng nguồn cung căn hộ của Hà Nội và TP.HCM ước đạt 78.000 sản phẩm, tới năm 2022 nguồn cung giảm 4 lần, chỉ còn 18.442 sản phẩm.
FiinGroup cho rằng, nhu cầu thị trường vẫn đang rất lớn, tuy nhiên phía cung đang rất hạn chế, nguyên nhân là do pháp lý đã ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự án của thị trường bất động sản.
Một số nhận định cho rằng, thị trường bất động sản sẽ phục hồi từ quý II/2024, song FiinGroup nhận định các tín hiệu phục hồi chưa rõ ràng, vì phải phụ thuộc vào quá trình trả các khoản nợ vay và gỡ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp.
Theo Nghị định 08 được ban hành hồi đầu năm nay, Chính phủ cho phép các doanh nghiệp giãn các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp trong 2 năm (năm 2024 – 2025). Điều này đã giảm bớt áp lực tài chính cho các doanh nghiệp bất động sản.
Tính tới đầu tháng 6/2023, có 16 doanh nghiệp bất động sản giãn nợ thành công với số tiền được giãn là khoảng 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, để thị trường phục hồi, trong 2 năm giãn nợ, các doanh nghiệp này phải hoàn thành trách nhiệm của mình đối với nhà đầu tư.
“Triển vọng phục hồi vào năm 2024 vẫn chưa rõ và phụ thuộc lớn vào việc tập trung tháo gỡ nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp và nợ vay, vì Chính phủ cho giãn, hoãn vào 2024 và 2025”, báo cáo của FiinGroup nêu.
Cũng theo FiinGroup, mặc dù tín dụng kinh doanh bất động sản đã tăng trưởng trở lại, 21,86% trong 99 tháng của năm 2023, nhưng quy mô còn quá nhỏ so với nhu cầu vốn khu vực này.
Ngoài ra, nợ xấu trái phiếu bất động sản vẫn tăng cao và tăng rủi ro nợ xấu cho các ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhóm dưới có bộ đệm vốn thấp. Thể hiện ở tỷ lệ vi phạm nghĩa vụ trái phiếu doanh nghiệp ở mức rất cao và tỷ lệ tạo lập nợ xấu (NPL formation) đang tăng cao.