Sau khi Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực một số địa phương để triển khai các giải pháp như: tiến hành thí điểm mô hình học hai buổi mỗi ngày; tăng cường tổ chức thanh tra kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.
Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về dạy thêm
Mới đây ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, Việc thực hiện Thông tư 29 được Sở GD-ĐT Hà Nội quán triệt tới 100% trường học trên địa bàn thành phố, không có ngoại lệ. Đơn vị này đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể, nhằm đưa hoạt động này vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

(Ảnh minh họa)
Sở cũng sẽ triển khai các giải pháp phát triển quy mô, mạng lưới giáo dục và đầu tư cơ sở vật chất bảo đảm đủ trường học, tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về dạy, học thêm. “Việc tổ chức dạy thêm, học thêm vốn là vấn đề phức tạp, nhu cầu lớn, nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ và phù hợp, đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là học sinh. Để thông tư mới đi vào thực tiễn, hiệu quả, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là cần thiết, trong đó điều quan trọng là thay đổi về nhận thức. Các nhà trường cần tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên nâng cao ý thức, “nói không” với dạy thêm trái quy định”, ông Trần Thế Cương.
Từ đầu tuần, các trường THPT tại Hà Nội đồng loạt thông báo cho phụ huynh về việc dừng các lớp phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức, ôn thi tốt nghiệp THPT kể từ ngày 14/2. Chỉ có một số ít trường tiếp tục ôn tập tăng cường cho học sinh khối 12 bằng việc huy động sự tình nguyện của giáo viên hoặc trích kinh phí từ nguồn chi tiêu nội bộ như trường Xuân Đỉnh, Thạch Bàn, Việt Đức, Trần Phú…
Liên quan đến việc triển khai thực hiện Thông tư 29, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng Bùi Văn Kiệm cho biết, Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thực hiện nghiêm quy định về dạy thêm, học thêm. Đồng thời Sở đã thành lập 3 đoàn công tác, thực hiện kiểm tra đột xuất ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực từ ngày 14/2, kết quả kiểm tra đến nay chưa phát hiện có dấu hiệu vi phạm.
Sở GD-ĐT Hải Phòng cũng có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiến hành rà soát nhu cầu học sinh học thêm, nhu cầu dạy thêm của giáo viên tại các cơ sở ngoài trường học, sau đó dựa trên tình hình cụ thể để xây dựng phương án, kế hoạch triển khai theo hướng dẫn tại Thông tư 29. Trong những ngày gần đây số hộ xin đăng ký kinh doanh trên lĩnh vực giáo dục tăng đột biến, có ngày đơn vị tiếp nhận hàng trăm bộ hồ sơ.
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành công văn yêu cầu các Phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường tuyệt đối không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học; có kế hoạch kiểm tra, rà soát; kiên quyết không để xảy ra việc dạy thêm, học thêm không đúng quy định trong và ngoài nhà trường. Đáng chú ý, Sở GD-ĐT yêu cầu tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt; tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình GDPT 2018.
Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý và đề xuất những giải pháp phù hợp đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư số 29. Đặc biệt, có biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo với cơ quan có thẩm quyền về các trường hợp vi phạm quy định dạy thêm, học thêm trên địa bàn…
Mô hình học 2 buổi/ngày được nhiều phụ huynh ủng hộ
Ông Nguyễn Xuân Cảnh, Trưởng Phòng Giáo dục Trung học, Sở GD-ĐT tỉnh Ninh Bình cho biết địa phương này đang triển khai thí điểm mô hình học hai buổi/ngày, 5 ngày/tuần. Thời gian thí điểm từ ngày 3/2 đến hết ngày 28/2. “Sau thời gian thí điểm, chúng tôi sẽ tổ chức tổng kết để rút kinh nghiệm trước khi triển khai đại trà ở tất cả các cấp học trên toàn tỉnh,” ông Cảnh cho hay. Theo ông Cảnh, việc triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần phải đảm bảo thực hiện đúng, đủ nội dung, chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, không gây quá tải cho học sinh và giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tế của các trường và địa phương.
Ông Cảnh cho hay việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày được thực hiện trên cơ sở chế độ tuần làm việc 40 giờ trong 5 ngày theo Thông tư 36 của Bộ GD-ĐT và mô hình dạy học 2 buổi/ngày theo công văn 7291/BGDĐT-GDTrH về hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học được ban hành năm 2010, Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, học sinh sẽ học ở trường cả ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu, nghỉ thứ Bảy và Chủ nhật. Bên cạnh đó, hiện các trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất tốt, đủ điều kiện để dạy học 2 buổi/ngày.
Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông mới, các nhà trường được chủ động trong kế hoạch dạy học. Do vậy, việc tổ chức học 2 buổi/ngày có nhiều thuận lợi và giúp việc học giảm áp lực về thời gian cũng như lượng kiến thức trong một buổi học.Việc học mô hình 2 buổi cũng giúp các nhà trường có thêm thời gian để sáng tạo, tổ chức các hoạt động giáo dục phong phú hơn cho học sinh.Học sinh được nghỉ học thứ bảy – đồng bộ với cấp mầm non và tiểu học. Qua thăm dò cho thấy phụ huynh rất ủng hộ triển khai mô hình này.
Trước đó, Tỉnh Yên Bái thực hiện thí điểm dạy học theo mô hình này từ đầu tháng 1/2025 đối với học sinh cấp trung học cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh. Việc thí điểm được thực hiện đối với khối 6, 7, 8 cấp trung học cơ sở; khối 10, 11 cấp trung học phổ thông ở một số trường đại diện cho các vùng, miền từ học kỳ 2 năm học 2024-2025. So với các địa phương, tỉnh Lai Châu triển khai mô hình dạy học 5 ngày/tuần từ khá sớm, ngay từ tháng 9/2024.
Tương tự như Ninh Bình, đại diện Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết chủ trương dạy học 5 ngày/tuần nhận được sự đồng tình, ủng hộ của giáo viên, học sinh, phụ huynh trên địa bàn. Mô hình này vừa giúp giảm áp lực, vừa giúp học sinh có thêm thời gian cho các hoạt động vui chơi, giải trí cũng như tự học, tự bồi dưỡng, tham gia hoạt động cộng đồng, xã hội. Các giáo viên cũng có thêm thời gian cho gia đình hay tham gia các hoạt động, khóa học để nâng cao nghiệp vụ.
Nguồn: https://danviet.vn/thi-diem-hoc-2-buoi-ngay-co-ngan-duoc-viec-day-them-trai-quy-dinh-20250223111418664.htm