Thêu trang phục dân tộc gì ở Quảng Ninh mà bà này tạo việc làm, thu nhập tốt, bán 12 triệu/bộ?

0
2
#image_title

Với mong muốn giữ gìn bản sắc dân tộc, người phụ nữ đã ngoài 60 tuổi Trương Thị Đông (xã Bằng Cả, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) vẫn đều đặn đứng lớp truyền dạy thêu trang phục truyền thống người Dao Thanh Y.

Người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả (TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) gìn giữ và phát huy thêu trang phục truyền thống. 

Bằng Cả là xã miền núi nằm ở phía Tây của TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với khoảng 1900 nhân khẩu, trong đó hơn 92% là đồng bào dân tộc Dao Thanh Y. Năm 2023, Bằng Cả đã được công nhận là xã nông thôn mới nâng cao và đang thẩm định kết quả xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu về văn hóa.

Người Dao Thanh Y ở đây còn duy trì nhiều giá trị văn hóa truyền thống như lễ cấp sắc, vốn y học dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ… Trong đó, không thể không kể đến nghệ thuật thêu trang phục truyền thống.

“Cô giáo” truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y- Ảnh 1.

Người Dao Thanh Y ở xã Bằng Cả, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh bảo tồn và phát huy nghệ thuật thêu truyền thống. Ảnh: Thanh Tuyền

Nhằm bảo tồn, phát huy nghệ thuật thêu truyền thống, từ năm 2016 đến nay, xã Bằng Cả liên tục tổ chức các lớp dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y. Cũng từ đó, bà Triệu Thị Đông (SN 1962, trú tại xã Bằng Cả, TP Hạ Long) cùng một số nghệ nhân của xã bắt đầu đứng lớp truyền dạy thêu truyền thống.

Bà Đông cho biết, ngay từ khi còn nhỏ, bà đã được bà, được mẹ, được chị truyền dạy những phong tục tập quán của người Dao Thanh Y, trong đó có cả thêu truyền thống. Ngoài ra, bà Đông còn học thêm từ các bậc cao niên giỏi nghề thêu ở làng. Nhờ thế, chỉ mới 8-9 tuổi, bà Đông đã hiểu ý nghĩa của từng hoa văn, biểu tượng, quen thuộc với từng công đoạn thêu may truyền thống.

Theo bà Đông, trang phục của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả có màu chủ đạo là màu chàm thâm, thêu họa tiết phong phú với nhiều màu sắc. Hoa văn chủ yếu là hình cỏ cây, hoa lá, muông thú hay bất kỳ vật dụng nào mà người dân cảm thấy gần gũi trong sinh hoạt hằng ngày. Kỹ thuật thêu ở mặt trái của vải để hình thật nổi lên ở mặt phải của vải.

“Cô giáo” truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y- Ảnh 2.

Bà Trương Thị Đông là một trong những người đứng lớp, cầm tay chỉ việc truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y cho lớp trẻ. Ảnh: Thanh Tuyền

Cách thêu trang phục của người Dao Thanh Y cũng rất độc đáo và phức tạp, không thêu theo mẫu vẽ trên vải mà hoàn toàn dựa vào trí nhớ của người thêu. Do đó, cùng một ý tưởng, nhưng trên mỗi bộ trang phục, hoa văn không giống nhau bởi mỗi người có một cách làm và gửi vào tác phẩm của mình những tâm sự khác nhau.

Thời gian để làm ra một bộ trang phục hoàn chỉnh khoảng 3 tháng, nhưng những bộ trang phục sử dụng vào dịp đặc biệt, có khi mất cả năm trời để thêu hoàn thiện. Mỗi bộ trang Dao Thanh Y phục tùy kích thước, họa tiết thêu sẽ có giá khác nhau, có bộ lên đến 12 triệu đồng.

Việc truyền dạy thêu truyền thống chủ yếu theo kiểu truyền từ đời này qua đời khác. Bởi vậy có thời gian, thêu truyền thống của người Dao Thanh Y ở Bằng Cả có phần bị mai một. Với niềm đam mê bản sắc dân tộc nên ngay từ khi còn trẻ, bà Đông đã tìm tòi, học hỏi, sưu tầm, tìm cách khôi phục thêu truyền thống của dân tộc Dao Thanh Y.

“Cô giáo” truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y- Ảnh 3.

Đôi bàn tay khéo léo của bà Trương Thị Đông tỉ mỉ trong từng mũi thêu. Ảnh: Thanh Tuyền

“Từ những năm 2012-2023, trước khi địa phương tổ chức lớp dạy thêu, tôi đã dạy thêu truyền thống tại nhà. Nhiều người đến tận nhà tôi, nói rằng chưa biết hoa văn này và nhờ tôi dạy cách thêu” – bà Đông kể.

Đến nay, các lớp dạy thêu trang phục dân tộc Dao Thanh Y ngày càng được tổ chức nhiều, không chỉ ở Bằng Cả, mà còn lan rộng tới các xã khác trên địa bàn thành phố. Do đó, bà Đông cũng không chỉ dạy thêu ở Bằng Cả, mà còn dạy thêu truyền thống ở các xã khác như Tân Dân, Sơn Dương, thậm chí tận Kỳ Thượng – xã vùng sâu, vùng xa nhất của TP Hạ Long.

“Những lớp dạy ở xa, chồng tôi lại chở tôi đi bằng xe máy để đi dạy. Có lớp dạy thêu ở Kỳ Thượng, cách Bằng Cả hơn 60km, hai vợ chồng đi từ sáng sớm, đến tối mới về đến nhà. Những lớp dạy thêu như ở Tân Dân, cách Bằng Cả khoảng 15km, tuy gần hơn nhưng nhiều khi lại dạy cả ngày cả đêm” – bà Đông cho hay.

“Cô giáo” truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y- Ảnh 4.

Các họa tiết, hoa văn thêu truyền thống của người Dao Thanh Y có thể là hình cỏ cây, hoa lá, muông thú hay bất kỳ vật dụng nào. Ảnh: Thanh Tuyền

Đến nay đã hơn 10 năm đứng các lớp dạy thêu, bà Đông không nhớ mình đã đứng bao nhiêu lớp, hướng dẫn cho bao nhiêu người. Bên cạnh những học viên nhí, lớp học còn thu hút đông đảo các đối tượng khác nhau đến để học và nâng cao kỹ năng thêu, thậm chí có nhiều bà đã 70, 80 tuổi vẫn tới lớp. Đáng chú ý, nhiều phụ nữ dân tộc Kinh về làm dâu tại địa phương cũng tham gia học thêu. Chỉ sau khoảng 3 tháng học, học viên có thể thêu trên trang phục truyền thống và các phụ kiện túi, địu, mũ, gối, khăn đội đầu, túi… của dân tộc Dao Thanh Y.

“Mỗi lớp dạy thêu thường chỉ có 20 học viên thôi, nhưng có những lớp lên đến 24 người, tôi đều dạy hết. Tôi muốn truyền dạy để bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc, đồng thời tạo ra sản phẩm đẹp mắt để phục vụ du lịch địa phương” – bà Đông tâm sự.

“Cô giáo” truyền dạy thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y- Ảnh 5.

Bà Trương Thị Đông hướng dẫn thêu trang phục truyền thống Dao Thanh Y cho các em nhỏ. Ảnh: Thanh Tuyền

Bà Triệu Thị Thảo (dân tộc Dao Thanh Y, trú tại xã Tân Dân, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là người cùng bà Triệu Thị Đông đứng lớp dạy thêu truyền thống tại xã Tân Dân.

“Cô Đông không chỉ dạy thêu truyền thống ở Bằng Cả mà còn đi dạy ở nhiều xã khác như Tân Dân, Kỳ Thượng… Qua lớp truyền dạy, học viên có thể thêu những thành phẩm đơn giản chỉ sau khoảng 1 tháng học. Cô Đông không chỉ am hiểu cách thêu hoa văn truyền thống của người Dao Thanh Y, mà còn sưu tầm, hiểu và có thể dạy thêu hoa văn của người Dao Thanh Phán nữa” – bà Thảo chia sẻ thêm.

Từ năm 2016 đến nay, xã Bằng Cả (TP Hạ Long) đã phối hợp các đơn vị liên quan liên tục tổ chức các lớp dạy nghề, trong đó có lớp thêu may trang phục truyền thống Dao Thanh Y.

Qua lớp truyền dạy thêu truyền thống, xã Bằng Cả mong những giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con, góp phần vào phát triển kinh tế – phát triển du lịch tại địa phương.

Xã Bằng Cả cũng ra mắt tổ du lịch cộng đồng Bằng Cả, trong đó có các dịch vụ như: Tham quan mô hình trồng chè hoa vàng, tham quan nhà nấu rượu bâu truyền thống, dịch vụ ăn uống, các trò chơi dân gian, thêu may trang phục, các sản phẩm của dân tộc Dao Thanh Y.





Nguồn: https://danviet.vn/theu-trang-phuc-dan-toc-gi-o-quang-ninh-ma-ba-nay-tao-viec-lam-thu-nhap-tot-ban-12-trieu-bo-20250328003724062.htm