Đầu tuần này, 43 binh sĩ Myanmar đã chạy trốn sang bang Mizoram của Ấn Độ sau khi các căn cứ quân sự của họ bị phiến quân tấn công. Gần 40 người đã được chính quyền Ấn Độ gửi trả lại qua một cửa khẩu biên giới khác cách đó vài trăm km về phía đông.
Quân đội Myanmar đã chiến đấu với các nhóm thiểu số và các cuộc nổi dậy khác trong nhiều thập kỷ. Nhưng cuộc đảo chính năm 2021 đã khiến các lực lượng này phối hợp chặt chẽ hơn, tạo ra thách thức lớn nhất đối với chính quyền quân sự Myanmar.
Các nhà lãnh đạo quân sự nước này đã ra lệnh cho tất cả nhân viên chính quyền và những người có kinh nghiệm quân sự chuẩn bị phục vụ trong trường hợp khẩn cấp.
Ông Zaw Min Tun, người phát ngôn của nhà lãnh đạo quân sự Myanmar, cho biết vào cuối ngày 15/11, rằng quân đội đang phải đối mặt với “các cuộc tấn công nặng nề từ một số lượng đáng kể binh sĩ nổi dậy có vũ trang” ở các bang Shan, Kayah và Rakhine.
Ông Zaw Min Tun cho biết một số vị trí quân sự đã được sơ tán và quân nổi dậy đã sử dụng máy bay không người lái để thả hàng trăm quả bom vào các đồn quân sự.
“Chúng tôi đang khẩn trương thực hiện các biện pháp để bảo vệ hiệu quả trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái”, người phát ngôn của quân đội cho biết.
Cuộc đảo chính năm 2021 đã làm tiêu tan hy vọng cải cách và gây ra làn sóng phản đối ở các thị trấn và thành phố, khiến nhiều lực lượng phiến quân nổi dậy và chiếm cứ nhiều khu vực.
Các chính phủ phương Tây đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi cũng như các chính trị gia và nhà hoạt động ủng hộ dân chủ khác.
Một phát ngôn viên cho biết Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres quan ngại sâu sắc trước “sự mở rộng xung đột ở Myanmar” và kêu gọi tất cả các bên bảo vệ dân thường.
Hoàng Tôn (theo Reuters)