Xuất hiện hàng loạt website giả mạo sàn thương mại điện tử lớn
Với việc phát hiện thêm 72 website giả mạo, lừa đảo trong tháng 1/2025, tính đến nay, số lượng địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức trong cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia là gần 125.600 địa chỉ.
Trong 72 website mới được phát hiện, có 30 trang web giả mạo các sàn thương mại điện tử, công ty cung ứng dịch vụ chuyển phát thương mại điện tử như: Amazon, eBay, Taobao, Shopee, Vietnam Post, Giao Hàng Tiết Kiệm, Giao hàng nhanh; 16 website giả mạo các thương hiệu lớn như Facebook, Telegram, TikTok, VinGroup, Viettel, VNG; 15 trang giả mạo website cơ quan, tổ chức nhà nước; và 11 website giả mạo các ngân hàng, tổ chức tài chính.
Những website giả mạo kể trên được các đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của chính cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp bị mạo danh.
Do đó, cơ quan chức năng đề nghị các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm website lừa đảo, giả mạo đơn vị mình để có cảnh báo sớm đến người dùng; qua đó góp phần ngăn chặn các hoạt động lừa đảo, đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng, đồng thời cũng bảo vệ chính thương hiệu của tổ chức mình.
Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi
Tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến tiếp tục được các chuyên gia nhận định là một trong những xu hướng tấn công mạng nổi bật trên không gian mạng Việt Nam trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo.
Dự báo 2 nguy cơ chính mà người dùng sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, đó là mã độc giám sát và đánh cắp thông tin và lừa đảo trực tuyến biến thể. Cụ thể, các hình thức lừa đảo sẽ biến thể liên tục; có những hình thức rất tinh vi nhưng cũng có những hình thức rất đơn giản mà vẫn nhiều người mắc phải.
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, tấn công giả mạo, lừa đảo trực tuyến thường nhắm đến những đối tượng không có nhiều kinh nghiệm, hiểu biết về nền tảng số. Lợi dụng điều này, các đối tượng lừa đảo có thể dễ dàng sử dụng hình ảnh, công nghệ để giả mạo bạn bè, người thân nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của nạn nhân.
Chuyển đổi số tạo thói quen mới cho người dùng là cài đặt rất nhiều phần mềm trên các thiết bị điện thoại, máy tính. Nhiều phần mềm độc hại, có gắn mã độc sẽ trà trộn vào các kho ứng dụng, khiến cho khả năng thiết bị của người dùng bị kiểm soát, theo dõi, đánh cắp thông tin ngày càng tăng cao.
Ngoài ra, các phần mềm phát triển nóng sẽ luôn tồn tại các lỗ hổng bảo mật, tin tặc có thể thông qua các lỗ hổng này để xâm nhập, kiểm soát thiết bị của người dùng từ xa.
Trong khi đó, công nghệ mới lại chính là công cụ giúp cho các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội, nhưng sự nguy hiểm của các hình lừa đảo chính là khai thác yếu tố tâm lý, sự thiếu kỹ năng và lòng tham của con người.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia khuyến nghị người dùng cần trang bị và cập nhật phần mềm diệt virus, an ninh cho máy tính, điện thoại di động; sử dụng mật khẩu mạnh, trong đó, kết hợp ký tự viết hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt; bật xác thực đa yếu tố để tăng cường bảo mật cho các tài khoản quan trọng như ngân hàng, email, tài khoản mạng xã hội.
Người dùng cũng được lưu ý không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản; không bấm vào liên kết lạ, đặc biệt là trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc; kiểm tra nguồn gốc các ứng dụng trước khi tải, và chỉ tải ứng dụng từ các cửa hàng chính thức như: App Store, Google Play hoặc website chính thức của nhà cung cấp sản phẩm; hạn chế sử dụng wifi công cộng trong các giao dịch quan trọng như chuyển tiền, đăng nhập tài khoản.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/them-72-website-gia-mao-thuong-hieu-duoc-phat-tan-tren-mang.html