Chiều 26/4, Trung tướng. TS Nguyễn Văn Oanh (Phó trưởng ban tuyển sinh, Bộ Quốc phòng) cho biết, lượng thí sinh đăng ký vào các ngành Quân đội trong 3 năm qua liên tục giảm.
Theo khảo sát của Bộ Quốc phòng, có hơn 10 nguyên nhân dẫn tới lượng thí sinh hàng năm sụt giảm, lý do lớn nhất các thí sinh mắc tật khúc xạ ngày càng cao nên không đáp ứng tiêu chí về sức khoẻ trong sơ tuyển.
“Thí sinh vào các trường Quân đội phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác nhau bao gồm những yếu tố về điểm, về sức khoẻ, về phẩm chất chính trị… việc tuyển chọn kỹ lưỡng là tiền đề đào tạo nguồn lực chất lượng cao cho ngành Quân đội”, đại diện Bộ Quốc phòng nói.
Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về kinh tế ngày càng tăng nhưng mức lương với các ngành Quân đội thấp, áp lực công việc cao nên nhiều thí sinh không lựa chọn theo học quân đội. Do đó năm nay, Bộ Quốc phòng xây dựng đề án đa dạng phương thức tuyển sinh để khuyến khích thí sinh đăng ký dự thi.
Trung tướng Nguyễn Văn Oanh cũng cho biết, năm nay thí sinh có thêm hai phương thức xét tuyển khi đăng ký vào các trường Quân đội.
Thứ nhất, xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức. Trong đó, xét kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa 150) hoặc kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa 1.200).
Thứ hai, xét tuyển dựa vào học bạ THPT các thí sinh điểm trung bình từ 7,0 trở lên và điểm tổng kết các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của trường từng năm học đạt từ 7,5 điểm trở lên. Riêng với tuyển sinh tại Học viện Kỹ thuật quân sự và Học viện Quân y không sử dụng phương thức này.
Ngoài ra, giữ nguyên hai phương thức xét tuyển như năm ngoái: Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT và xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.
“Việc mở rộng phương thức xét tuyển của Bộ quốc phòng nhằm tạo điều kiện để nhiều thí sinh có cơ hội học tập, rèn luyện trong môi trường quân đội. Đặc biệt, năm nay thí sinh được tham gia xét tuyển tất cả các phương thức tuyển sinh của trường”, Trung tướng Nguyễn Văn Oanh nhấn mạnh.
Đại diện Bộ quốc phòng cũng thông tin, bắt đầu từ năm 2025, Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với Đại học Quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực riêng của ngành Quân đội.
Chi tiết 4 phương thức tuyển sinh vào các trường khối ngành quân đội 2024:
Phương thức | Nội dung | Chỉ tiêu |
Phương thức 1 | Xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển và xét tuyển học sinh giỏi bậc THPT | |
Phương thức 2 | Xét tuyển dựa vào học bạ THPT |
|
Phương thức 3 |
Xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các trường đại học trong nước tổ chức. – Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội từ 75 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 150 điểm), – Thí sinh có kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM từ 600 điểm trở lên (thang điểm tối đa là 1.200 điểm). |
|
Phương thức 4 | Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. | Còn lại |
Thí sinh thực hiện đăng ký xét tuyển và điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT năm 2024.
Với các trường quân đội, thí sinh nộp hồ sơ sơ tuyển, được điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển theo nhóm trường.
Nhóm 1 gồm các học viện: Hậu cần, Hải quân, Biên phòng, Phòng không – Không quân (hệ chỉ huy tham mưu) và các trường sĩ quan: Lục quân 1, Lục quân 2, Chính trị, Đặc công, Pháo binh, Tăng thiết giáp, Phòng hóa, Thông tin, Công binh.
Nhóm 2 gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự.
Thời gian, phương pháp điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT và Bộ Quốc phòng ban hành năm 2024.
Thí sinh lưu ý phải đăng ký nguyện vọng 1 (nguyện vọng cao nhất) vào trường nộp hồ sơ sơ tuyển hoặc nhóm trường thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (nguyện vọng 1) theo đúng tổ hợp xét tuyển của trường.