(LĐXH) – Năm 2024, thế giới tiếp tục đối mặt với những cuộc xung đột lan rộng chưa có hồi kết cùng những nỗ lực cứu trợ nhân đạo tích cực từ các bên.
Bạo lực và xung đột gia tăng
Theo báo cáo Chỉ số cường độ xung đột (CII) do các nhà phân tích rủi ro từ Công ty Verisk Maplecroft (Anh), diện tích các khu vực trên thế giới bị nhấn chìm trong xung đột đã tăng 65% trong 3 năm qua. Ukraine, Myanmar, Trung Đông và “hành lang xung đột” xung quanh khu vực Sahel của châu Phi đã chứng kiến các cuộc giao tranh lan rộng và gia tăng kể từ năm 2021.
Trong khi mức độ xung đột trên toàn cầu có phần lắng dịu trong đại dịch Covid-19, các chuyên gia cho biết xu hướng bạo lực vẫn gia tăng trong ít nhất một thập niên, cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng kéo dài vẫn tiếp diễn mà không suy giảm.
Hugo Brennan, giám đốc nghiên cứu tại Verisk Maplecroft cho biết, các cuộc xung đột gần đây đã tác động sâu rộng đến doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế và an ninh lương thực, khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi chiến sự Nga – Ukraine gây nguy hiểm cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sang Trung Đông và châu Phi, cũng như các cuộc tấn công của nhóm vũ trang Houthi từ Yemen vào hoạt động vận chuyển trên biển Đỏ.
Theo báo cáo, khoảng 6,15 triệu km2 lãnh thổ đang bị ảnh hưởng bởi giao tranh giữa các quốc gia hoặc nội bộ các quốc gia. Điều đó có nghĩa là 4,6% diện tích đất liền của thế giới đang bị ảnh hưởng bởi xung đột so với mức 2,8% vào năm 2021. Số người chết trong xung đột tăng 29%.
Báo cáo cho biết, một “hành lang xung đột” bao gồm khu vực Sahel và Sừng châu Phi, từ Mali đến Somalia, tình trạng bạo lực đã tăng gấp đôi trong 3 năm qua.
Angela Rosales, Tổng giám đốc điều hành của tổ chức SOS quốc tế cho biết, 470 triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, gồm cả ở Ukraine, Sudan, Gaza và Li Băng, với những tác động nghiêm trọng không chỉ dừng lại ở tử vong và thương tích.
“Trẻ em ở những khu vực bị ảnh hưởng bởi xung đột có nguy cơ mất đi sự chăm sóc của gia đình nếu nhà cửa bị phá hủy, cha mẹ thiệt mạng hoặc các em bị chia cắt khỏi gia đình khi chạy trốn bạo lực. Các em đặc biệt dễ bị bóc lột, nô lệ hóa, buôn bán và lạm dụng”, bà cảnh báo.
Giáo sư Clionadh Raleigh, Chủ tịch Tổ chức giám sát thiệt hại dân sự Acled cho biết, trong khi các cuộc xung đột mới đang nổi lên thì các cuộc xung đột cũ vẫn tiếp diễn.
“Rất ít cuộc xung đột kết thúc hoặc bớt căng thẳng và rất nhiều xung đột bùng phát. Những xung đột nhỏ hơn này có xu hướng phát triển và rất linh hoạt. Vì vậy, chúng có thể rất khó chấm dứt”, bà cảnh báo. Cùng với biến đổi khí hậu, xung đột toàn cầu đẩy cuộc khủng hoảng nhân đạo tới mức độ nguy hiểm.
Theo thống kê, tuổi thọ trung bình ở các quốc gia chịu ảnh hưởng của khủng hoảng thấp hơn 6 năm so với mức trung bình toàn cầu. Tại những nước này, tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình 20%, trong khi tỷ lệ tử vong ở bà mẹ gấp đôi mức trung bình và chỉ có 10% trẻ em hoàn thành bậc tiểu học so với mức trung bình 90% trên toàn cầu.
Trong khi đó, vào tháng 11/2024, Liên hợp quốc ghi nhận 281 nhân viên làm việc cho các tổ chức nhân đạo bị thiệt mạng tại các khu vực xảy ra xung đột trên toàn cầu. Đây là mức cao kỷ lục, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA).
Người phát ngôn của OCHA, Jens Laerke cho hay: “Các nhân viên nhân đạo dũng cảm và quên mình ở những nơi như Gaza, Sudan, Li Băng, Ukraine… Họ cho thấy những điều tốt đẹp nhất mà nhân loại có thể mang lại và đổi lại họ đang bị giết hại”.
Xung đột dữ dội ở Trung Đông là nguyên nhân lớn nhất dẫn tới mối đe dọa với nhân viên nhân đạo. Hơn 230 trường hợp tử vong ở Gaza và các vùng lãnh thổ Palestine. Các nhân viên nhân đạo của Gaza đang đối mặt với mối đe dọa rất lớn. Các cuộc giao tranh không ngừng nghỉ giữa Israel và Hamas từ tháng 10/2023 ở Gaza đã khiến hàng chục nghìn dân thường thiệt mạng.
Quan chức Laerke cho biết, các mối đe dọa đối với nhân viên cứu trợ “vượt ra ngoài Gaza với mức độ bạo lực, bắt cóc, thương tích, quấy rối và giam giữ tùy tiện cao” được ghi nhận ở Afghanistan, Congo, Nam Sudan, Sudan, Ukraine, Yemen…
“Các hành vi bạo lực là vô lương tâm và tàn phá các hoạt động cứu trợ. Các quốc gia và các bên xung đột phải bảo vệ những người hoạt động nhân đạo, tuân thủ luật pháp quốc tế, truy tố những người chịu trách nhiệm và chấm dứt kỷ nguyên vô luật pháp này”, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Tom Fletcher cho biết.
Các nỗ lực cứu trợ nhân đạo
Dù đối mặt với hàng loạt rủi ro và khó khăn, các tổ chức nhân đạo, các quốc gia vẫn tích cực thực hiện những nỗ lực cứu trợ dân thường bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì chiến sự.
Trong bài phát biểu của ông Fletcher tại Thụy Sĩ khi công bố kế hoạch nhân đạo toàn cầu năm 2025, các nỗ lực cứu hộ do OCHA điều phối đã tiếp cận 116 triệu người trong năm 2024 bất chấp những khó khăn, rủi ro và trở ngại trong quá trình làm việc.
“Đây là thành tựu đáng kinh ngạc. Chúng tôi, thế giới, công nhận bạn vì điều đó và vì sự phục vụ của bạn cho nhân loại là điều đúng đắn”, ông phát biểu.
Đại diện OCHA kêu gọi khoản ngân sách 47 tỷ USD cho năm 2025 để giúp đỡ 190 triệu người trên 72 quốc gia cần hỗ trợ nhân đạo do xung đột vũ trang, thiên tai, biến đổi khí hậu. Thế giới cần các hành động quốc tế bền vững để chấm dứt những cuộc xung đột, nhằm giải quyết tận gốc rễ, giúp cộng đồng phục hồi.
“Năm 2025, chúng ta cần nhiều nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt chiến tranh và đảm bảo hòa bình; giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong khi hỗ trợ mọi người thích nghi với tương lai đầy biến động”, ông kêu gọi và nhấn mạnh, các bên phải tôn trọng luật nhân đạo quốc tế nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho dân thường và nhân viên nhân đạo.
Edem Wosornu, Giám đốc điều hành và vận động OCHA nhấn mạnh vai trò ngày càng quan trọng của các tổ chức nhân đạo địa phương và quốc gia.
“Họ là những người ứng cứu đầu tiên. Họ có thể tận dụng các mạng lưới cộng đồng giúp tiếp cận những người bị ảnh hưởng. Họ đảm bảo hành động hiệu quả hơn, hiệu suất hơn và bền vững hơn. Năm 2025, OCHA tiếp tục tăng cường hỗ trợ các tổ chức này”, bà cho hay.
OCHA cũng đồng thời kêu gọi các bên xung đột đẩy mạnh “ngoại giao nhân đạo”. “Ngoại giao nhân đạo nhằm đặt các ưu tiên nhân đạo vào trọng tâm các cuộc đàm phán giữa các bên tham chiến. Đây là cách chúng ta đảm bảo dân thường được bảo vệ và luật nhân đạo quốc tế được tôn trọng”, Joyce Msuya, Phó điều phối viên cứu trợ khẩn cấp OCHA nhấn mạnh.
“Ngoại giao nhân đạo chưa bao giờ quan trọng hơn thế. Nó huy động các nguồn lực, khuếch đại tiếng nói của những người dễ bị tổn thương nhất và thúc đẩy đối thoại để đảm bảo viện trợ đến được với những người đang trong giờ phút đen tối nhất của họ”, bà nhấn mạnh.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, năm 2024, tổ chức này đã đạt những thành tựu nổi bật như: Giúp 26,4 triệu trẻ em và phụ nữ tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; 12,2 triệu trẻ em 6 – 59 tháng tuổi được sàng lọc suy dinh dưỡng.
Năm qua, UNICEF cho biết, 17,4 triệu người được tiếp cận đủ lượng nước và chất lượng nước để uống và sinh hoạt; 9,7 triệu trẻ em được tiếp cận giáo dục chính quy hoặc không chính quy, bao gồm cả giáo dục sớm. UNICEF đã kêu gọi các bên tài trợ 9,9 tỷ USD để tiếp cận 109 triệu trẻ em trên 146 quốc gia vào năm 2025.
Số tiền này sẽ được sử dụng cho hoạt động ứng phó nhân đạo của UNICEF đối với nhiều cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, di tản và khủng hoảng y tế.
“Hỗ trợ nhân đạo rất quan trọng đối với công việc của chúng tôi dành cho trẻ em bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng.
Hãy tưởng tượng những gì chúng ta có thể làm được cho trẻ em khi cùng hợp tác nhân đạo, tạo ra một thế giới nơi quyền của mọi trẻ em được bảo vệ, duy trì và nơi mọi trẻ em có thể phát triển – một thế giới phù hợp với mọi trẻ em”, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết.
Đức Hoàng (theo Reuters, Newsweek)
Báo Lao động và Xã hội Xuân Ất Tỵ
Nguồn: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/the-gioi-nam-2024-no-luc-cuu-tro-nhan-dao-tai-cac-vung-xung-dot-20250123171052152.htm