Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đề xuất việc nước này “tiếp quản” Dải Gaza và di dời người Palestine tới một địa điểm mới do một hoặc nhiều quốc gia Trung Đông cung cấp đã dấy lên làn sóng phản đối của quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khơi lên làn sóng phản đối từ quốc tế với đề xuất Washington tiếp quản Dải Gaza. (Nguồn: Inkl) |
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ở Washington ngày 4/2 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra đề xuất gây chấn động trên, khẳng định sẽ biến Dải Gaza bị chiến tranh tàn phá trở nên “không thể tin được” bằng cách dọn sạch bom mìn, các đống đổ nát và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ tiếp quản Dải Gaza và chúng tôi cũng sẽ làm việc với nó. Chúng tôi sẽ sở hữu nó” và biến nơi này thành “Riviera của Trung Đông”.
Về phần mình, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng kế hoạch của nhà lãnh đạo Mỹ có thể “thay đổi lịch sử”.
Tuy nhiên, ý tưởng của ông Trump đã ngay lập tức gặp sự phản đối của nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Trung Đông, phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza cho rằng, đề xuất của Tổng thống Mỹ tương đồng quan điểm của Israel trong việc di dời người dân Palestine khỏi Dải Gaza và xóa bỏ nỗ lực đấu tranh của người Palestine vì một giải pháp hai nhà nước. Cũng theo Hamas, việc thực hiện đề xuất này sẽ chỉ làm leo thang căng thẳng trong khu vực Trung Đông.
Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) cũng phản đối mạnh mẽ phát biểu của ông Trump về việc di dời cư dân tại Dải Gaza đến các nước láng giềng. Tổng thư ký Ủy ban điều hành PLO Hussein al-Sheikh nhấn mạnh, giải pháp hai nhà nước, dựa trên luật pháp quốc tế vẫn là con đường khả thi duy nhất dẫn đến hòa bình và ổn định.
Cùng ngày, phát biểu trên Fox News, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Qatar nêu rõ: “Chúng tôi hiểu rằng người Palestine sẽ bị sang chấn tâm lý nếu buộc phải di dời. Tuy nhiên, một lần nữa, vẫn còn quá sớm để nói về khả năng này, vì chúng ta vẫn không biết được cuộc chiến hiện nay sẽ kết thúc ra sao”.
Trong khi đó, Jordan tuyên bố phản đối “bất cứ âm mưu nào nhằm chiếm đất và trục xuất người Palestine, còn phía Ai Cập kêu gọi nhanh chóng tái thiết Gaza, đồng thời lưu ý chính quyền Palestine nên “đảm nhận nhiệm vụ của mình” và người dân không phải rời khỏi dải đất này.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Hakan Fidan tuyên bố, phát ngôn của ông chủ Nhà Trắng về kế hoạch tiếp quản Dải Gaza bị tàn phá nặng nề do xung đột là “không thể chấp nhận”, đồng thời nhấn mạnh bất kỳ kế hoạch nào “gạt người Palestine” khỏi nơi này đều sẽ gây thêm xung đột.
Ở châu Âu, Nga và nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) cũng bày tỏ phản đối đề xuất của Tổng thống Mỹ thứ 47.
Từ Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố, đề xuất này là biểu hiện phá bỏ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), trong khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh, cách duy nhất để giải quyết xung đột Trung Đông là thông qua việc thành lập một nhà nước Palestine tồn tại song song với Israel.
Theo ông Peskov, đây là luận điểm được ghi nhận trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, được đa số áp đảo các quốc gia liên quan vấn đề này chia sẻ, đồng thời lưu ý, các nước Arab cũng bác bỏ ý tưởng tái định cư người dân Palestine mà Tổng thống Mỹ nêu ra.
Pháp, một đồng minh trong NATO của Mỹ, cùng ngày nêu rõ, không nên để bất kỳ bên thứ ba nào kiểm soát Gaza, đồng thời nhấn mạnh, Paris sẽ tiếp tục vận động thực hiện giải pháp hai nhà nước, giải pháp duy nhất có thể đảm bảo hòa bình và an ninh lâu dài cho cả người Israel và Palestine.
Cùng chung quan điểm, Ngoại trưởng Anh David Lammy tin tưởng rằng cần thúc đẩy việc đạt được giải pháp hai nhà nước, nhấn mạnh cần phải đảm bảo người Palestine có tương lai trên quê hương của họ ở Gaza và Bờ Tây.
Về phía Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock nhấn mạnh, Dải Gaza “thuộc về người Palestine” và “không được phép trục xuất dân thường ở Gaza và vùng đất này không được phép bị chiếm đóng vĩnh viễn hay tái định cư”.
Theo nhà ngoại giao Đức, Gaza – cũng như Bờ Tây và Đông Jerusalem – “thuộc về người Palestine. Đây là nền tảng cho Nhà nước Palestine trong tương lai”.
Chính phủ Đức tuyên bố Berlin sẽ tiếp tục phối hợp với các đối tác toàn cầu hướng tới giải pháp hai nhà nước trong cuộc xung đột giưa Hamas và Israel ở Dải Gaza.
Ở châu Mỹ, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã lên tiếng phản đối đề xuất nói trên của người đồng cấp Mỹ là “vô nghĩa”, trong khi ở châu Đại Dương, Thủ tướng Australia Anthony Albanese khẳng định, nước này ủng hộ lập trường về một giải pháp hai nhà nước để giải quyết cuộc khủng hoảng ở Gaza.
Nguồn: https://baoquocte.vn/the-gioi-bung-no-voi-ke-hoach-cua-my-muon-tiep-quan-dai-gaza-di-doi-nguoi-palestine-303307.html