Tiến sĩ Hóa học Nguyễn Minh Việt luôn trăn trở làm sao nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống như vật liệu đốt giảm khí phát thải, nhiên liệu sạch, tinh dầu tự nhiên ứng dụng trong đời sống con người…
Dự án chiết tách tinh dầu và viên thanh nén từ vỏ cam bưởi
TS Nguyễn Minh Việt hiện là giảng viên khoa Công nghệ Hóa, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Thầy tốt nghiệp kỹ sư Hóa hữu cơ – Hóa dầu, sau đó là thạc sĩ Hóa hữu cơ – Hóa dầu và Quản trị kinh doanh tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2011, thầy tốt nghiệp Tiến sĩ Hóa học tại Viện hóa học Công nghiệp Việt Nam.
Thầy Việt gây ấn tượng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học. Thầy từng nhận giấy khen vì có thành tích hướng dẫn sinh viên đạt giải Nhì tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” cấp Quốc gia năm 2024. Mới đây, thầy nhận chứng nhận tác giả của giải pháp chiết tách tinh dầu và viên thanh nén từ vỏ cam bưởi, hướng dẫn sinh viên khởi nghiệp với tách chiết Pectin và sản xuất phân vi sinh từ vỏ thanh long.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Việt cho biết, trong các đề tài nghiên cứu, thầy ấn tượng nhất là dự án nghiên cứu tách tinh dầu và chế tạo viên than nén từ vỏ cam bưởi – ZestAroma.
“Ban đầu nhóm nghiên cứu chúng tôi thấy lượng nguồn nguyên liệu trồng cây có múi (cam và bưởi) dồi dào tại Việt Nam, theo thống kê năm 2022 tổng diện tích 210.000ha trong đó diện tích trồng cam khoảng 100.000ha và bưởi cũng đạt trên 100.000ha, phân bố rất nhiều vùng chuyên trồng tại các tỉnh miền Bắc. Trong đó, sản lượng vỏ cây có múi đang bỏ đi khoảng 15% sản lượng quả. Sản lượng quả loại khoảng 20% sản lượng quả thu hoạch.
Nhóm nghiên cứu đã lên phương án chiết tách tinh dầu từ vỏ cam, bưởi tại phòng thí nghiệm khoa Công nghệ hóa để phục vụ tinh dầu cho lĩnh vực chế biến ngành thực phẩm, mỹ phẩm, chất tẩy rửa và khử mùi. Những sản phẩm này có hương liệu tự nhiên đang được thị trường quan tâm, là các sản phẩm sạch, mang lại an toàn và đảm bảo sức khỏe cho con người sử dụng”, thầy Việt chia sẻ.
Sau khi chế biến tinh dầu từ vỏ cam bưởi nhóm nghiên cứu thấy một lượng vỏ chứa xelulozo bỏ đi nhất nhiều. Nhóm họp lại đưa ra các phương hướng xử lý để giải quyết vấn đề rác thải sau chiết tách tinh dầu.
Lúc đầu nhóm chế tạo ủ phân hữu cơ nhưng do có mùi mắc khó chịu, nhóm lại hướng đến phương án chế tạo phân hữu cơ vi sinh. Tuy nhiên, sau thời gian nghiên cứu sản phẩm, dù kết quả đã đạt được như mong muốn nhưng giá thành khá cao, khó cạnh tranh nên khó thương mại hóa sản phẩm.
Nhóm lại tiếp tục đưa ra phương án chế tạo viên than nén. Mục tiêu của nhóm là xuất khẩu tập trung vào các thị trường lớn hiện nay như Nhật Bản, EU, Trung Quốc… với mức giá sẵn sàng chấp nhận. Ngoài ra thông qua thị trường xuất khẩu nhóm nghiên cứu muốn xây dựng mối cung cấp năng lượng nội địa cho các doanh nghiệp cần năng lượng sạch từ viên than củi nén phát triển thêm dòng sản phẩm mới đảm bảo các tiêu chuẩn “xanh” đồng thời với mức giá hợp lý.
Do phòng thí nghiệm không đủ thiết bị nghiên cứu nên nhóm của thầy Việt đã phải điều chỉnh và thử nghiệm tại doanh nghiệp. Thời gian này tốn rất nhiều công sức và chi phí, có lúc thầy và trò phải ở lại doanh nghiệp 3-4 ngày để thử nghiệm.
Vượt qua khó khăn để nghiên cứu khoa học
Tiến sĩ Việt cũng chỉ gia khó khăn của sinh viên khi tham gia nghiên cứu khoa học. Hạn chế về chuyên môn do sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học thường năm thứ 2, 3 nên thiếu kinh nghiệm thực tế và kỹ năng viết báo cáo, trình bày và tổng hợp kết quả.
Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học vừa tham gia học tập trên lớp nên vừa áp lực công việc học tập, vừa áp lực các hoạt động khác nên thời gian nghiên cứu của sinh viên không được tập trung. Ngoài ra một số nghiên cứu đòi hỏi phải thời gian kéo dài nhiều năm mới có kết quả khiến các em sinh viên gặp áp lực hoàn thành công việc nghiên cứu.
Các nghiên cứu thuộc lĩnh vực hóa học thường là nghiên cứu chế tạo vật liệu, kết hợp với phân tích đánh giá đặc tính của mẫu vật liệu chế tạo là khá tốn kém. Các nguồn tài trợ từ chính phủ, các tổ chức và nhà trường thì hạn chế hay không đủ, đặc biệt với các dự án dài hạn hoặc kết hợp với công nghệ cao.
Nhiều trường, viện nghiên cứu không đủ thiết bị hiện đại nên sinh viên tham gia nghiên cứu phải kết hợp nhiều nơi để triển khai nghiên cứu chế tạo và đánh giá vật liệu chế tạo. Cùng với đó là chí phí để đăng bài trên các tạp chí quốc tế uy tín giá thành cao và đòi hỏi bài báo nhiều dữ liệu mới đạt chất lượng.
Tương tự, các nhà khoa học của Việt Nam hiện nay cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, áp lực công bố khoa học, hợp tác kết nối quốc tế, thiếu kinh phí tài trợ, thiếu các chương trình hỗ trợ lâu dài; thiếu nhân lực hỗ trợ, năng lực kết nối liên ngành; kết quả nghiên cứu không đạt như dự đoán dẫn đến lãng phí thời gian và nguồn lực. Nghiên cứu khoa học cũng chưa được coi trọng hoặc hỗ trợ đầy đủ vì có một số nghiên cứu khoa học có thể chưa mang lại kết quả, hiệu quả kinh tế ngay lập tức và chưa triển khai được vào thực tế.
Với niềm đam mê của mình, thầy Việt vẫn tiếp tục tập trung vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, xây dựng quy trình sản xuất các sản phẩm phục vụ đời sống như vật liệu đốt giảm khí phát thải, nhiên liệu sạch, tinh dầu tự nhiên ứng dụng trong đời sống con người, các sản phẩm tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp tại Việt Nam hướng đến các vật liệu thân thiện môi trường giảm rác thải, giảm hiệu ứng nhà kính cho trái đất…
Nguồn: https://danviet.vn/thay-giao-chiet-tach-tinh-dau-va-vien-thanh-nen-tu-vo-cam-buoi-ap-u-doanh-nghiep-khoi-nghiep-20250203124948057.htm