Đại biểu Quốc hội đề nghị cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến những quy định về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí.
Đại biểu Mai Văn Hải góp ý kiến về tháo gỡ vướng mắc trong quy định phòng cháy, chữa cháy tại phiên thảo luận chiều 31/5. (Ảnh: DUY LINH).
Chiều 31/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.
Khẩn trương hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy, chữa cháy
Phát biểu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho biết, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ.
Trong bối cảnh ấy, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy, trong đó tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Quang cảnh phiên thảo luận ở Hội trường Diên Hồng chiều 31/5. (Ảnh: DUY LINH).
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy, chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đại biểu đoàn Thanh Hóa, cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp; có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, giải trí.
Có chung quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cần tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về phòng cháy, chữa cháy, tiêu chuẩn, quy chuẩn ban hành, không phân biệt quy mô dự án, tính chất công trình chưa tính đến khả năng khi áp dụng vào thực tiễn.
“Nếu không có sự thay đổi về tiêu chuẩn, quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy thì sẽ có hàng nghìn doanh nghiệp, cơ sở doanh nghiệp phải đóng cửa”, đại biểu quan ngại.
Tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp
Góp ý về một số nội dung khác, đại biểu Hòa đề nghị Chính phủ chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công dự án Chương trình mục tiêu quốc gia đã giao cho chủ đầu tư của bộ, ngành, địa phương.
Nhất là các dự án đường cao tốc bắc-nam, tiến độ giải phóng mặt bằng được báo cáo đạt 2/3 nhưng không đồng đều, ảnh hưởng đến thi công chậm trễ, khó có thể giải ngân theo kế hoạch.
Đại biểu Phạm Văn Hòa tham gia ý kiến thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Đại biểu đề nghị kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư những nơi chưa hoàn thiện hồ sơ, giải phóng mặt bằng, giải ngân chậm để phân bổ cho những nơi làm tốt công tác này; khắc phục tình trạng vốn chờ công trình.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước theo lộ trình đã được phê duyệt, có giải pháp hữu hiệu để sớm khó khăn, vướng mắc trong đăng kiểm…
Đại biểu cũng đề nghị tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về tiếp cận vốn của ngân hàng, vay vốn ưu đãi, vốn tín dụng, có ưu đãi thuế, miễn giảm thuế, phí, lệ phí trước bạ nhằm thu hút doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và thành lập mới.
Ngân hàng vừa huy động được vốn nhàn rỗi trong dân, vừa cho vay với lãi suất hợp lý, hài hòa lợi ích, có kiểm soát nợ xấu phát sinh; triển khai có hiệu quả việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngoài ra, đại biểu cho rằng cần quan tâm đến thị trường bất động sản, chứng khoán để bảo đảm thị trường hoạt động thuận lợi, dễ dàng, có kiểm soát.
Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nhấn mạnh cần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp. (Ảnh: DUY LINH).
Cũng đề cập một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh sự cần thiết ưu tiên nguồn lực và tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận, hấp thụ vốn của doanh nghiệp.
Cùng với đó, chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ để nâng cao hiệu quả phối hợp, khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ.
Đồng thời, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách, quy định mới làm phát sinh chi phí, thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực, để doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.
Theo: nhandan.vn