Thành phố Thủy Nguyên, thành phố trẻ nhất của Hải Phòng có tổng số 21 xã, phường thì trung bình có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP/xã phường, trong đó có sản phẩm đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao.
Xã/phường nào cũng có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP
UBND TP.Thủy Nguyên vừa có quyết định chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với 10 sản phẩm gồm áo dài Lê Hiên và khăn thêu hoa phượng (cùng phường Dương Quan), rượu nếp cái hoa vàng (phường An Lư), gạo Đài Thơm 8 và giò lụa Hằng Đạt (cùng phường Thủy Hà), bột rau má thủy canh (phường Phạm Ngũ Lão), chim công cảnh và tranh gỗ (cùng phường Nam Triệu Giang), rượu nếp men lá (phường Tam Hưng), nước mắm cốt cao đạm (phường Lập Lễ).
Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, trên địa bàn TP.Thủy Nguyên có 56 sản phẩm/36 chủ thể được công nhận OCOP. Trong đó, có 5 sản phẩm/2 chủ thể đạt hạng 4 sao, 51 sản phẩm/34 chủ thể đạt hạng 3 sao. Như vậy, với 21 xã, phường, trên toàn thành phố Thủy Nguyên, trung bình có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP/xã hoặc phường.
Anh Nguyễn Thế Tuân, chủ thể sản phẩm gạo Đài Thơm 8 vừa được công nhận sản phẩm OCOP ở tổ dân phố Tây Trại, phường Thủy Hà cho biết, anh kinh doanh gạo được 14 năm. Trong quá trình kinh doanh, anh thấy giống gạo Đài Thơm 8 khá hợp với đồng đất của phường Thủy Hà.

sản phẩm OCOP gạo Đài Thơm ở phường Thuỷ Hà. Ảnh BH.
Từ đó, anh quy tụ, cung cấp giống cho 6-7 hộ thuê mượn lại gần 100 mẫu ruộng bỏ hoang của người dân tại phường và các xã, phường khác trên địa bàn thành phố Thủy Nguyên để cấy và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Anh Tuân không chỉ giúp người dân địa phương có thu nhập ổn định từ vùng sản xuất nông nghiệp quy mô tại chỗ, mà còn khẳng định được thương hiệu sản phẩm gạo Đài Thơm 8 bằng chứng nhận OCOP. Sau khi được công nhận, sản phẩm gạo Đài Thơm 8 được nhiều người tìm đến mua.
Cũng dịp này, sản phẩm bánh trung thu của hộ anh Trần Văn Tiến, ở phường Thủy Đường được UBND thành phố Thủy Nguyên nâng cấp chứng nhận từ sản phẩm 3 sao lên đạt chuẩn 4 sao. Anh Tiến thông tin, đây là cơ sở để anh đầu tư thêm hệ thống dây chuyền sản xuất bánh khép kín, tiêu chuẩn bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nâng cao chất lượng và quy mô sản phẩm OCOP
Mặc dù ở TP.Thủy Nguyên mỗi xã có từ 2 đến 3 sản phẩm OCOP nhưng quy mô sản phẩm OCOP vẫn còn khá manh mún, nhỏ lẻ. Các sản phẩm OCOP chủ yếu có sẵn, chưa có sản phẩm mới, một số sản phẩm na ná, trùng nhau như rượu, bánh trung thu.

Phó Chủ tịch UBND TP.Thủy Nguyên Nguyễn Văn Viển trao Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho các chủ thể. Ảnh CTTDT.
Ngoài ra nhiều cơ sở chưa chú trọng mẫu mã, chất lượng nên sức cạnh tranh còn hạn chế, tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Thủy Nguyên, có vươn ra thị trường Hải Phòng nhưng còn khá ít.
Đến nay, mục tiêu phủ kín mỗi xã một sản phẩm OCOP của địa phương hoàn thành, nhưng việc được đánh giá, chứng nhận sản phẩm OCOP chỉ là bước đầu gắn sao cho sản phẩm.
Thông tin với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Viển – Phó chủ tịch UBND thành phố Thủy Nguyên cho biết, các phòng chuyên môn của thành phố tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, nhất là các chủ thể triển khai sâu rộng chương trình OCOP nhằm xây dựng chương trình OCOP của thành phố tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Trong đó, chú trọng các chương trình đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất, quản lý chất lượng, marketing, bán hàng cho người sản xuất. Thành phố cũng sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đồng thời quan tâm hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung, cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nguồn: https://danviet.vn/thanh-pho-tre-nhat-o-hai-phong-noi-moi-xa-phuong-co-tu-2-3-dac-san-san-pham-ocop-20250328165414592.htm