Ngày 25/2, Sở GD&ĐT cho biết đã thành lập 5 đoàn kiểm tra kiểm tra các trường công lập bậc THCS, THPT, cơ sở dạy thêm ở 22 quận, huyện về công tác quản lý dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường.

Các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện việc kiểm tra các trung tâm kỹ năng sống có thực hiện đúng nội dung được cấp phép hay không.
Bên cạnh việc kiểm tra các cơ sở thực hiện quy định dạy thêm, học thêm, còn nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và đề xuất những giải pháp phù hợp đối với các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 29.
Trước đó, nhiều quận, huyện trên địa bàn thành phố đã tổ chức đoàn kiểm tra nội dung trên. Chẳng hạn như ngày 17/2, đoàn kiểm tra của UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đã có buổi kiểm tra đột xuất các cơ sở dạy thêm học thêm trên địa bàn phường. Qua đó, phát hiện Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên (đường số 1B), có 18 học sinh ở độ tuổi tiểu học đang học tại tầng trệt của trung tâm. Đoàn kiểm tra yêu cầu trung tâm này gỡ các bảng hiệu quảng cáo sai quy định. Đồng thời tạm đóng cửa trung tâm từ chiều 17/2 đến khi thực hiện đầy đủ thủ tục, đúng quy định mới cho mở cửa trở lại.
Theo UBND phường Bình Hưng Hòa B, Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Trạng Nguyên từng bị đề nghị đóng cửa hồi giữa tháng 11/2024 do chưa có giấy phép.
Đoàn kiểm tra của phường sẽ liên tục thực hiện việc kiểm tra thường xuyên, đột xuất hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn phường từ nay đến ngày 31/12/2025.
Còn ngày 10/2, UBND quận 12 cũng đã ban hành văn bản về triển khai thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT ngay trong tháng 2.
Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh, Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT ban hành không cấm chuyện dạy thêm, học thêm, nhưng sẽ quản lý việc này một cách chặt chẽ hơn. Nhu cầu học thêm để phát triển bản thân của học sinh là chính đáng, nên dạy thêm cũng là một công việc. Nhưng tất cả phải dựa trên tinh thần tự nguyện và phải đúng quy định.
Còn việc nhu cầu gửi trẻ bậc tiểu học sau giờ học của phụ huynh, nhờ giáo viên kèm cặp thêm trong lúc chờ phụ huynh đón, Thông tư 29 đã quy định rõ, giáo viên bậc tiểu học không được phép dạy thêm các môn văn hóa, nhưng nếu có năng lực thì vẫn có thể dạy các bộ môn khác theo đúng quy định. Đó là dạy các môn năng khiếu như đàn, hát, múa, vẽ, luyện chữ đẹp.
Sau giờ học chính khóa, các trường tiểu học hoàn toàn có thể mở các câu lạc bộ về thể thao, văn nghệ, rèn chữ để học sinh tham gia, tạo điều kiện cho các phụ huynh đến đón con muộn.
Nhà trường vẫn phải có trách nhiệm ôn tập thi cho học sinh cuối cấp. Tùy vào từng địa phương thì sẽ có lộ trình, kinh phí tổ chức ôn tập cho học sinh cuối cấp và bồi dưỡng cho học sinh yếu kém cho phù hợp.
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/thanh-lap-nhieu-doan-kiem-tra-day-them-hoc-them-tai-tp-ho-chi-minh–i760153/