(BLC) – Than Uyên là địa phương có bề dày văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền các cấp nơi đây đang chủ động các giải pháp nhằm lưu truyền giá trị nhân văn lâu đời. Nhờ đó, văn hóa dân gian giảm thiểu nguy cơ bị mai một trước dòng chảy thời gian và văn hóa ngoại lại…
Than Uyên là miền đất trù phú, có bề dày trầm tích văn hóa của 10 dân tộc cùng sinh sống. Nhưng thực tế cho thấy, một số giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện Than Uyên cũng như nhiều địa phương khác đang đứng trước nguy cơ bị mai một do tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ công nghệ thông tin. Không gian văn hóa truyền thống bị thu hẹp, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, trang phục, lễ hội của một số đồng bào có sự đổi thay. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc và một số nghể thủ công có nguy cơ thất truyền. Thế hệ trẻ cũng ít sử dụng ngôn ngữ dân tộc trong giao tiếp.
Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đã góp phần lưu truyền, phát huy nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp trọng tâm. Quá trình triển khai, huyện Than Uyên luôn chú trọng công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và tạo sự đồng thuận của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện trong gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp.
Văn hóa dân gian được lưu truyền trong các trường học ở Than Uyên.
Theo ông Lò Văn Hương – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Than Uyên, trong thời gian qua, huyện Than Uyên tập trung nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ và bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân gian. Tới thời điểm hiện tại, Than Uyên đã phục dựng thành công các lễ hội: Kin Pang, Hạn Khuống của dân tộc Thái và lễ hội mừng cơm mới của dân tộc Khơ Mú. Cùng với đó, tại các hội diễn, ngày hội văn hóa các xã có đồng bào dân tộc thiểu số đã tái diễn các trích đoạn lễ hội: xuống đồng, nhà mới, rước dâu, lễ trưởng thành, gầu tào… của đồng bào các dân tộc Dao, Mông và một số dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện. Qua đó, các tập quán và những nét đẹp trong sinh hoạt được lưu truyền quảng bá, tạo cho mình sức sống mới.
Cùng với đó, thời gian qua, huyện Than Uyên cũng duy trì hoạt động của các đội văn hóa, văn nghệ trong cộng đồng dân cư. Tới thời điểm hiện tại, toàn huyện có 131 đội văn nghệ thường xuyên tổ chức duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Huyện cũng duy trì thành lập 2 câu lạc bộ hát then, đàn tính tại xã Mường Cang và xã Hua Nà. Một số địa phương đã thành lập và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban vận động bảo tồn văn hóa dân gian và câu lạc bộ hát dân ca Thái tại các địa phương.
Theo ông Lò Văn Sơi – xã Mường Cang, thông qua hoạt động của các tổ, đội văn nghệ đã góp phần đưa văn hóa diễn xướng, nghệ thuật biểu diễn dân gian thêm không gian biểu diễn. Đây là cách lưu truyền nghệ thuật một cách tự nhiên, hiệu quả – văn hóa dân gian chỉ khẳng định mình và sống được trong khi ngày càng thu hút được đông đảo khán giả hơn sau mỗi chương trình biểu diễn.
Để văn hóa dân gian góp phần làm đẹp hơn tâm hồn trẻ thơ, thời gian vừa qua, huyện Than Uyên cũng chú trọng xây dựng câu lạc bộ bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc ở trường học tại các địa phương trong toàn huyện. Theo ông Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên, các trường học trong toàn huyện đã hình thành các câu lạc bộ dân vũ, khèn, sạp và các trò chơi dân gian. Một số trường cũng huy động nghệ nhân tới truyền nghề truyền thống như: thêu thùa, đan lát. Nhờ đó, văn hóa dân gian truyền thống không chỉ góp phần giúp cho tâm hồn trẻ thơ thêm đẹp hơn mà còn được ươm mầm ngay trong trường học.
Các giải pháp được triển khai đồng bộ sẽ giúp nét đẹp văn hóa được lưu truyền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở các khu dân cư; nhiều nét đẹp truyền thống đã có sức hút mạnh mẽ với du khách, trở thành sản phẩm du lịch của đất gió Than Uyên.