Kỳ vọng hết ùn tắc
Theo thông tin từ Bộ GTVT, cuối năm 2023 sẽ có 3 dự án giao thông lớn hoàn thành đưa vào sử dụng gồm: cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ.
Trong đó, dự án cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61 km, thiết kế 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, khởi công vào tháng 3.2022 đến nay sản lượng thi công đã đạt hơn 96% giá trị hợp đồng, hợp long cầu chính dây văng. Nhà thầu đang hoàn thiện các hạng mục còn lại để thông xe trước 31.12. Công trình có tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng này không chỉ mang ý nghĩa là cầu dây văng lớn nhất do các nhà thầu VN thiết kế và thi công, mà còn là dự án được những người dân các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung mòn mỏi chờ đợi.
Cùng với đó, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tổng chiều dài gần 23 km giai đoạn 1 đầu tư quy mô 4 làn xe khởi công vào tháng 1.2021 đến nay đã đạt 76% khối lượng thi công theo giá trị hợp đồng. Phần cầu đã cơ bản hoàn thành, công tác thảm nhựa đã thi công được hơn 8 km; 80% hệ thống an toàn giao thông đã được tập kết về công trường để tăng tốc tiến độ, đưa dự án về đích trước 31.12. Như vậy, khi cầu Mỹ Thuận 2 hoàn thành, cùng với cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ dài hơn 160 km sẽ được nối thông, rút ngắn thời gian đi lại chỉ còn hơn 2 giờ thay vì gần 4 giờ như hiện nay.
Hào hứng rủ bạn bè về nhà mình ở Sóc Trăng chơi sau chuyến thử nghiệm tự lái xe về quê hồi cuối tuần trước, anh Minh Đăng (ngụ Q.11, TP.HCM) cho biết anh chỉ mất đúng 4 giờ đồng hồ để đi từ TP.HCM về Sóc Trăng, tính cả thời gian nghỉ ngơi ở trạm dừng cao tốc. Xuất phát từ sớm lúc 6 giờ sáng, đường khá vắng nhưng khi tới cao tốc TP.HCM – Trung Lương thì lượng xe đông hơn. Vì thế, nhiều đoạn anh Đăng chỉ chạy được với tốc độ 60 km/giờ. Phải đến khi lên tới cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận thì mới chạy đều được ở vận tốc 80 km/giờ. Chưa kể, hiện nay cầu Mỹ Thuận đang quá tải, đi vào ngày cuối tuần xe đông nên cũng không dám chạy nhanh.
“Trước đây chưa có cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, nhà tôi đi xe khách về quê ít nhất cũng mất 7 tiếng, đi ban ngày coi như gần trọn 2 buổi luôn. Nếu tranh thủ đi đêm thì sáng sau tới nơi vạ vật mệt mỏi. Bây giờ đi chỉ còn khoảng 4 tiếng là đã quá mừng rồi. Không chỉ có cơ hội ngắm vườn cây, ruộng lúa 2 bên mà về đến nơi vẫn còn đủ thời gian làm việc. Nếu giờ có thêm cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc mới thì về Sóc Trăng ít nhất rút ngắn được thêm từ 30 phút đến 1 tiếng nữa. Đoạn đường Mỹ Thuận – Cần Thơ, đặc biệt là đoạn tránh TP.Vĩnh Long đang quá tải, nếu kết nối sớm được tuyến này trước tết thì sẽ giải phóng được rất lớn lượng xe cộ cao điểm tết năm nay”, anh Minh Đăng nói.
Tương tự, anh Phạm Hữu Hậu (quê Vĩnh Long) cho biết mỗi năm tết đến, dù là người miền Tây, gần TP.HCM hơn rất nhiều đồng nghiệp nhưng không vì thế mà hành trình về quê ăn tết của anh Hậu suôn sẻ hơn mọi người. Con đường chỉ khoảng 150 km nhưng luôn gặp cảnh khổ sở vì ùn tắc mỗi mùa lễ, tết. Ngán nhất là đoạn cầu Bến Lức (Long An), ngã 3 An Thái Trung, An Hữu (Tiền Giang) và khu vực cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long) kẹt xe liên tục. Điểm kẹt kinh hoàng nhất phải kể đến là khu vực cầu Mỹ Thuận, có khi phải chôn chân nhiều tiếng đồng hồ.
“Vì cầu Mỹ Thuận là con đường duy nhất từ TP.HCM về nhà tôi ở Vĩnh Long, mà nhiều người cũng vậy nên mọi người đều dồn đổ về đây. Nhiều lúc từ đường dẫn, tôi đi xe máy mà cũng phải nhích tầm 30 – 45 phút mới lên được đến cầu. Nhớ mấy lần tết về nhà muộn, chiều 29 – 30 tết mới được nghỉ nên khi gần tới nhà, lòng nôn nao lắm. Ấy vậy mà đến cuối địa phận Tiền Giang, chỉ cần vượt qua sông thôi là có thể đến nhà thì dường như con đường lại kéo dài vô tận vì kẹt xe. Rất cực nhọc và mệt mỏi”, anh Hậu cảm thán và khẳng định cầu Mỹ Thuận 2 được đưa vào sử dụng trước Tết Nguyên đán này sẽ là niềm vui của hầu hết người Vĩnh Long và các tỉnh miền Tây.
Cao tốc nối tới đâu, mừng tới đó
Hơn 1 thập kỷ qua, trong khi nhiều tỉnh, thành trên cả nước nhộn nhịp xây dựng, khánh thành rất nhiều tuyến đường cao tốc thì khu vực phía nam nói chung và ĐBSCL nói riêng gần như “đóng băng”. Chỉ có một dự án đường cao tốc được khởi công (cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dài hơn 50 km) và phải trải qua thời gian dài nằm im, mãi đến dịp 30.4.2022 mới hoàn thành đưa vào sử dụng. Bởi vậy, thông tin mỗi tuyến cao tốc vùng ĐBSCL được khởi công, hoàn thành đều mang lại niềm vui rất lớn cho những người con Nam bộ.
Giữa tháng 6 vừa qua, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh ĐBSCL với tổng mức đầu tư gần 44.700 tỉ đồng cũng đã chính thức được khởi công. Dự kiến hoàn thành năm 2027, tuyến Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng cùng tuyến An Hữu – Cao Lãnh là hai tuyến cao tốc theo trục ngang của vùng, sẽ kết nối các đường theo trục dọc, giảm áp lực cho quốc lộ 1, tuyến N1, nhất là quốc lộ 91 đang quá tải… Đồng thời, góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông khu vực, kết nối kinh tế, xã hội các tỉnh miền Tây cùng Campuchia và các nước Đông Nam Á.
Theo quy hoạch từ Bộ GTVT, riêng đường bộ cao tốc cho vùng ĐBSCL đến năm 2030 sẽ có khoảng 760 km và sau năm 2030 tiếp tục đầu tư thêm khoảng 420 km. Tổng vốn dự kiến đầu tư các dự án cao tốc tại ĐBSCL giai đoạn 2026 – 2030 khoảng 200.000 tỉ đồng.
“Đã lâu lắm rồi, khu vực miền Nam, đặc biệt là vùng ĐBSCL, mới chứng kiến những bước chuyển động mạnh mẽ như vậy về hạ tầng giao thông”, TS Nguyễn Hữu Nguyên (Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN) chia sẻ.
Theo TS Nguyên, nhiều năm qua vùng kinh tế trọng điểm phía nam, vùng ĐBSCL có phần “thiệt thòi” hơn so với các tỉnh phía bắc về mạng lưới giao thông kết nối. Hạ tầng giao thông ì ạch suốt nhiều năm “trói chân” kinh tế, kìm hãm tốc độ hình thành và phát triển đô thị. Vì thế, việc đồng loạt khởi công, về đích các dự án trọng điểm phía nam là bước hiện thực hóa chủ trương tăng cường mạng lưới giao thông cho miền Nam, miền Tây. Đây là hướng đi đúng đắn mà Quốc hội và Chính phủ cũng đã xác định cho một tầm nhìn phát triển bền vững, lâu dài. Cao tốc, nối tới đâu, người dân mừng tới đó.
“Những dự án này còn có ý nghĩa hơn rất nhiều khi về đích vào đúng giai đoạn kinh tế cả nước đang trải qua khó khăn. Đường nối thông tới đâu, kinh tế sẽ phát triển tới đó. Người dân cũng sẽ đỡ tốn thời gian, tiền bạc, công sức cho đi lại. Không chỉ đường bộ cao tốc mà cả đường sắt cao tốc, đường thủy cũng đang được Trung ương cùng các bộ, ngành đẩy mạnh đầu tư. Khu vực miền Nam, miền Tây đang đứng trước cú hích cực mạnh phát triển kinh tế”, TS Nguyễn Hữu Nguyên nhận định.
Trước đây, thường 1 năm tôi chỉ về quê 2 lần vào dịp tết và giữa năm. Kẹt xe, đi mất nhiều thời gian nên cũng ngán. Năm nay thì 10 tháng tôi về quê 3 lần rồi. Nếu có cao tốc tới Cần Thơ hoặc Sóc Trăng thì chắc cứ 1 – 2 tháng là về thôi, coi như đi du lịch. Cao tốc nối tới đâu mừng tới đó, thuận tiện công việc, học hành. Những người miền Tây xa nhà như tôi sẽ có thể đi về thường xuyên hơn, gắn kết người thân, gia đình hơn.
Anh Minh Đăng (quê Sóc Trăng, đang sống tại TP.HCM)