Hợp tác quốc tế là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam, giúp ngành công nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Trong những năm qua, Bộ Công Thương đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng chất lượng sản phẩm công nghiệp.
Hợp tác với Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển công nghiệp hỗ trợ
Hợp tác quốc tế là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam. Đối với triển khai hợp tác Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc; Tiểu ban công nghiệp (giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc), năm 2024, trong khuôn khổ Ủy Ban hỗn hợp Việt Nam – Hàn Quốc, hai phía thống nhất hợp tác 7 nội dung chính, bao gồm: Hợp tác lĩnh vực lao động ngành đóng tàu, Hợp tác lĩnh vực nguyên vật liệu và linh kiện, Hợp tác lĩnh vực dệt may, Hợp tác lĩnh vực công nghiệp ô tô, Hợp tác nâng cao năng lực trung tâm IDC, Hỗ trợ Chuyên gia xây dựng và ban hành Luật Phát triển Công nghiệp và Hợp tác lĩnh vực khoáng sản trọng yếu.
![]() |
Samsung Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương và các địa phương phát triển nhà máy thông minh. Ảnh: SS |
Riêng hợp tác với Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với Samsung Việt Nam triển khai nhiều Chương trình, dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, gồm: Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung về đào tạo chuyên gia tư vấn Việt Nam trong lĩnh vực cải tiến sản xuất và chất lượng, Chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Samsung về đào tạo nhân lực khuôn mẫu tại Việt Nam, Chương trình hỗ trợ tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp, Chương trình tìm kiếm nhà cung ứng tiềm năng mới, Chương trình hợp tác phát triển Nhà máy thông minh (Chương trình Smart Factory)…
“Các chương trình đã bước đầu đạt những kết quả tích cực, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam cải tiến, nâng cao năng lực và ngày càng tham gia sâu vào chuỗi sản xuất của tập đoàn”- Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Đối với Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, thương mại và năng lượng (giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản), trước đó, tháng 12/2024, hai Bộ trưởng đã chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Nhật Bản.
Trong lĩnh vực công nghiệp, hai Bộ trưởng khẳng định Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty Nhật Bản và sẽ cùng hợp tác với Việt Nam để tăng cường sự ổn định của chuỗi cung ứng, hướng tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Hai bên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như: Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghiệp; phát triển công nghiệp hỗ trợ; chuyển giao công nghệ liên quan đến dự án trọng điểm của Việt Nam.
Đối với chương trình: “Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản kỷ nguyên mới, giai đoạn 01”. Trên cơ sở thống nhất tại Cuộc họp khởi động Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản kỷ nguyên mới – giai đoạn 01 được tổ chức tại Bộ Kế hoạch – Đầu tư 3/2024, hai bên đã thống nhất triển khai hợp tác 05 nhóm nội dung chính (tương ứng với 05 nhóm công tác) trong thời gian 19 tháng (từ tháng 3/2024 đến tháng 10/2025), trong đó, Bộ Công Thương tham gia nhóm công tác số 03 – “Tăng cường chuỗi cung ứng bao gồm phát triển công nghiệp hỗ trợ”.
Theo Bộ Công Thương, đến nay Bộ đã phối hợp với phía Nhật Bản (Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Hội các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, JETRO, tập đoàn/doanh nghiệp Nhật Bản) triển khai các nội dung hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng cường sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật Bản, cụ thể như: Tổ chức hội chợ, triển lãm kết nối về công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ; Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa; Triển khai mô hình Điều phối viên hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam. Nhóm công tác đã tham dự Cuộc họp đánh giá giữa kỳ ngày 16/12/2024.
Hợp tác với IFC- thúc đẩy chuyển đổi số
Triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới, cụ thể năm 2023 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 04 đang diễn ra mạnh mẽ toàn cầu. Năm 2024, hai phía đã triển khai Chương trình thí điểm chuyển đổi số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
![]() |
Tăng cường hỗ trợ các dự án phát triển và ứng dụng công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất thông minh |
Bộ công cụ này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mô hình sản xuất thông minh và bền vững của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ trong nước, nhằm tăng cường vị thế và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc xây dựng Bộ công cụ đánh giá chuyển đổi số nhằm xác định thực trạng của doanh nghiệp, đồng thời cung cấp thông tin chuyên sâu và tăng cường nhận thức về chuyển đổi số trong quá trình triển khai đánh giá. Để từ đó doanh nghiệp dễ dàng triển khai các khuyến nghị, giải pháp theo lộ trình chuyển đổi số dài hạn phù hợp với năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp.
Đây cũng là bộ công cụ đầu tiên ở Việt Nam tích hợp đánh giá việc số hóa quá trình chuyển đổi xanh và áp dụng các thực tiễn sản xuất bền vững của doanh nghiệp. Thông qua việc áp dụng chuyển đổi số theo hướng sản xuất bền vững, các nhà cung cấp có thể xây dựng quy trình hiệu quả, tăng cường việc giảm phát thải, cũng như tuân thủ các yêu cầu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) của nhà nước và khách hàng.
Đến nay, hai bên đã xây dựng Bộ Công cụ đánh giá chuyển đổi số cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và thí điểm triển khai tư vấn chuyển đối số chuyên sâu tại các nhà máy sản xuất.
Hợp tác với UNIDO- hỗ trợ xây dựng chính sách công nghiệp
Cũng trong năm 2024, Bộ Công Thương phối hợp với UNIDO triển khai Dự án liên quan đến chính sách Chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự án hợp tác bao gồm 01 chương trình đào tạo trong nước và 01 chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm tại Hàn Quốc. Tháng 9/2024, Dự án đã triển khai chương trình đào tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh dành cho 20 nhà hoạch định chính sách Việt Nam tham gia xây dựng chính sách công nghiệp. Chương trình đã đưa ra cái nhìn tổng quan về chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất, bộ công cụ đánh giá nhà máy thông minh, các công nghệ chuyển đổi số đang được ứng dụng tại Hàn Quốc cũng như lộ trình và kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số tại Hàn Quốc…
Bộ Công Thương cho biết, việc sử dụng các chỉ số đánh giá giúp xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu, cho phép lập chuẩn đối sách Việt Nam so với các nước. Dự án đã tiếp tục triển khai chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm các công ty hàng đầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0, các vùng công nghệ, tổ chức tư vấn, hiệp hội doanh nghiệp tại 04 thành phố của Hàn Quốc với sự tham gia của 08 nhà hoạch định chính sách Việt Nam đến từ các bộ, ban, ngành Trung ương.
Năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại đang triển khai, đặc biệt với các đối tác có quan hệ chiến lược lớn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga và các tổ chức quốc tế như IFC/WorldBank, UNIDO… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp Việt Nam. |
Nguồn: https://congthuong.vn/tang-nang-luc-nganh-cong-nghiep-thong-qua-hop-tac-quoc-te-373678.html