Phản xạ với những hiện tượng mang tên “tiếng nói trên mạng xã hội” phải vừa kịp thời vừa hợp lý…
Tuần đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, cùng với không khí tích cực, tín hiệu lạc quan trên nhiều lĩnh vực, có ít nhất 3 câu chuyện thể hiện tầm quan trọng và sự cần thiết của những tiếng nói trên mạng xã hội.
Thứ nhất, việc “chặt chém” về giá cả đối với người dân, du khách tại hàng loạt địa phương bị phát hiện, bóc mẽ và lên án. Từ những thông tin ấy, cơ quan chức năng lập tức vào cuộc rồi thói gian thương bị trừng phạt thích đáng.
Thứ hai, hình ảnh đầy phản cảm của một cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất ở Hà Nội khi ông này đánh nam tài xế ô tô bán tải được lan truyền. Diễn tiến sau đó, cá nhân hung hăng đã bị khởi tố, phải khăn gói vào trại tạm giam.
Thứ ba, người phụ nữ ở Đồng Nai khi dừng nghỉ trước nhà dân tại Đắk Lắk thì bị chó tấn công. Mấy hôm sau, con chó chết vì bệnh dại, chủ nhà vội đăng thông tin nhờ tìm cũng như cảnh báo tới nạn nhân và người phụ nữ đã kịp đi tiêm phòng.
Kết thúc có hậu từ làn sóng chia sẻ trên những nền tảng internet từ 3 dẫn chứng trên một lần nữa khẳng định bên cạnh hiệu ứng thì tốc độ thông tin mang tính cần thiết không cần bàn cãi.
Lâu nay, việc tận dụng những đặc điểm ấy trong quản lý và quy củ hóa chuẩn mực xã hội được nhiều cơ quan nhà nước thực hiện khá tốt, vấn đề đặt ra là nên tốt hơn.
Trong đó, phản xạ với những hiện tượng mang tên “tiếng nói trên mạng xã hội” cần phải vừa kịp thời vừa hợp lý trên quan điểm nghiêm khắc với hành vi tiêu cực và cổ vũ, lan tỏa giá trị nhân văn.
Biện pháp làm rõ, xử lý trong câu chuyện người mặc đồng phục CSGT buông lời lẽ thiếu kiềm chế trước mặt một cô gái trong clip được chia sẻ ngày 9-2, về mặt nào đó chính là phép thử đối với yêu cầu trên.
Nguồn: https://nld.com.vn/tan-dung-loi-the-mang-xa-hoi-196250209213219099.htm