(NLĐO) – Các nhà khoa học đã tái hiện lại một con quái vật “lai” giữa khủng long, rắn, rùa… từ bộ xương hóa thạch dài tới 4,5 m được tìm thấy ở Đức.
Theo New Scientist, nghiên cứu dẫn đầu bởi nhà cổ sinh vật học Miguel Marx từ Đại học Lund (Thụy Điển) đánh dấu lần đầu tiên mô mềm của một con plesiosaur – quái vật biển thời khủng long – được phân tích chi tiết.
![Tái tạo quái vật “bay trong nước” 183 triệu năm trước- Ảnh 1. Tái tạo quái vật “bay trong nước” 183 triệu năm trước- Ảnh 1.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/Tai-tao-quai-vat-bay-trong-nuoc-183-trieu-nam.jpg)
Quái vật biển plesiosaur được tìm thấy ở miền Nam nước Đức – Ảnh: CURRENT BIOLOGY
Mẫu vật đặc biệt được tìm thấy từ một mỏ hóa thạch nổi tiếng ở miền Nam nước Đức, nơi đá phiến sét Posidonia đầu kỷ Jura đã bảo quản nhiều sinh vật cổ đại.
Con quái vật được bảo quản với bộ xương nguyên vẹn dài 4,5 m cùng một số phần mô mềm, thứ được coi như báu vật đối với ngành cổ sinh vật học.
Phân tích sơ bộ cho thấy nó sống vào khoảng 183 triệu năm trước, tức thuộc kỷ Jura.
Plesiosaur trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “gần giống thằn lằn”. Chúng còn được biết đến với tên gọi Việt hóa là “thằn lằn cổ rắn”
Loài quái vật này đặc trưng bởi thân hình giống khủng long nhưng chiếc cổ dài mất cân xứng, bơi bằng các vây to khá giống vây rùa biển.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology cũng mô tả các đặc điểm thú vị khác: Phần thân của chúng khá rộng, dẹt, 4 vây dài hoạt động theo cách đẩy thân hình như “bay trong nước”.
Bên cạnh đó, các mô mềm còn cho thấy lớp da của chúng mịn màng ở phần đuôi, nhưng các vây có vảy y như vây rùa.
![Tái tạo quái vật “bay trong nước” 183 triệu năm trước- Ảnh 2. Tái tạo quái vật “bay trong nước” 183 triệu năm trước- Ảnh 2.](https://cdn.vietnam.vn/wp-content/uploads/2025/02/1739069469_737_Tai-tao-quai-vat-bay-trong-nuoc-183-trieu-nam.jpg)
Vẻ ngoài của con quái vật được nhóm nghiên cứu tái hiện – Ảnh đồ họa: Joschua Knüppe
“Điều này cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết vô song về ngoại hình và đặc điểm sinh học của loài bò sát đã tuyệt chủng từ lâu này” – TS Marx nói.
Sự kết hợp bất thường giữa da mịn và da có vảy ở nhiều bộ phận khác nhau trên cơ thể của con quái vật được cho là liên quan đến các chức năng khác nhau.
Plesiosaur cần phải bơi hiệu quả để bắt cá và các loài động vật giống mực, một nhiệm vụ dễ dàng hơn nhờ lớp da mịn và cách chúng “bay trong nước”.
Tuy nhiên, chúng cũng cần phải di chuyển qua đáy biển gồ ghề và vây có vảy có thể giúp nó làm được điều này.
“Những phát hiện của chúng tôi giúp chúng tôi tạo ra bản tái tạo chính xác hơn về plesiosaur, một điều cực kỳ khó khăn kể từ khi chúng được nghiên cứu lần đầu tiên cách đây hơn 200 năm” – tờ Sci-News dẫn lời TS Marx.
Nguồn: https://nld.com.vn/tai-tao-quai-vat-bay-trong-nuoc-183-trieu-nam-truoc-196250209091033034.htm