Nước ép nho không chỉ có đặc tính kháng vi rút mà còn là nguồn cung cấp canxi chất lượng. Không chỉ vậy, nước ép nho còn tốt cho tim mạch và mức cholesterol trong máu.
Một trong những lợi ích lớn nhất của nho là có 2 chất chống ô xy hóa là resveratrol và flavonoid. Các chất chống ô xy hóa này đều có trong nho đỏ và nho tím, theo chuyên trang sức khỏe Medical News Today (Anh).
Một số bằng chứng nghiên cứu cho thấy các chất chống ô xy hóa trong nho có thể cải thiện chức năng mạch máu, giảm viêm và giảm cholesterol “xấu” LDL. Tất cả lợi ích này sẽ giúp giảm tích tụ mảng bám trong thành động mạch, nhờ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Lượng nước ép nho mọi người có thể uống mỗi ngày là khoảng 240 ml. Uống quá mức này sẽ khiến cơ thể nạp nhiều đường, làm tăng lượng calo hấp thụ, dễ gây tăng đường huyết và tăng cân.
Không chỉ nho đỏ và tím mà nho trắng cũng rất tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Nutrition cho thấy nước ép nho trắng có khả năng giúp giảm chỉ số khối cơ thể và vòng eo ở phụ nữ, đồng thời làm tăng 16% cholesterol “tốt” HDL.
Lưu ý khi dùng nước ép nho
Nước ép nho dù tốt nhưng không phải ai cũng phù hợp. Các chuyên gia khuyến cáo những người mắc bệnh tiểu đường hoặc đang áp dụng chế độ ăn ít calo thì nước ép nho sẽ không phải là lựa chọn phù hợp.
Ngược lại, những người đang bị táo bón do chế độ ăn ít chất xơ, tác dụng phụ của thuốc thì uống nước ép nho sẽ rất có lợi, đặc biệt là khi nước ép chưa lọc hết hoàn toàn phần thịt và vỏ nho. Nước ép khi đó sẽ rất giàu chất xơ, giúp cải thiện tiêu hóa và giảm táo bón.
Ngoài ra, nước ép nho cũng có thể tương tác với một số loại thuốc như amiodarone, atorvastatin, carbamazepine, felodipine, simvastatin và tacrolimus. Những người đang dùng một trong các loại thuốc này cần hạn chế uống nước ép nho.
Ngoài nho thì các loại nước ép như nước ép táo, lựu, cà chua và dưa leo cũng có tác dụng giảm cholesterol trong máu. Lợi ích này đến từ hàm lượng dồi dào chất xơ hòa tan, vitamin và chất chống ô xy hóa trong nước ép, theo Medical News Today.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tac-dung-it-nguoi-biet-cua-nuoc-ep-nho-voi-cholesterol-trong-mau-185241222002316688.htm