(NLĐO)- Nhà chức trách nhận định bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước ở Hà Nội là do thi công đoạn ngầm đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội
Tối 20-2, đại diện UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) cho biết khoảng 15 giờ cùng ngày, xuất hiện hiện tượng hỗn hợp dung dịch bentonite tại các hố khoan thăm dò trào lên mặt đường, rãnh thoát nước khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình). Đây là khu vực trong phạm vi đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội đi qua, đang được thi công.

Bùn đất phun lên từ các miệng cống thoát nước. Ảnh: Trung Nguyên
Theo ghi nhận, khoảng 18 giờ 30 phút, nhiều bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước. Hàng chục nhân viên, công nhân nhà thầu cùng các phương tiện máy móc, xe hút bùn đã được huy động đến để khắc phục sự cố.
Nhà chức trách nhận định nguyên nhân ban đầu do áp lực khi máy khoan ngầm từ ga S9 đến ga S10 tuyến đường sắt đô thị số 3 khoan qua khu vực này.
Đại diện quận Ba Đình cho biết ngay sau khi phát hiện sự việc, quận đã giao các đơn vị liên quan phối hợp với chủ đầu tư (Ban Quản lý Đường sắt đô thị Hà Nội – MRB) khẩn trương kiểm tra khắc phục. Chủ đầu tư đã huy động 4 máy hút, 100 công nhân tập trung kiểm tra dọn vệ sinh môi trường nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt của nhân dân.
Theo đại diện UBND quận Ba Đình, các hiện tượng xấu có thể ảnh hưởng khi thi công khoan ngầm cũng đã được quận phối hợp chủ đầu tư khuyến cáo đến nhân dân từ năm 2024, quận, phường đã vận động người dân đi tạm cư trong thời gian thi công.

Bùn đất phun lên nhiều nơi trong ngõ. Ảnh: Trung Nguyên
Thông tin từ MRB cho biết trong quá trình đào bằng máy đào TBM1, xảy ra hiện tượng phụ gia đào hầm phun lên mặt đất tại khu vực ngõ 7 Giang Văn Minh. Sau khi kiểm tra, chủ đầu tư MRB cùng tư vấn và nhà thầu kiểm tra hiện trường, ban đầu xác định nguyên nhân có thể do dưới lòng đất còn tồn tại giếng nước hoặc cống thoát nước cũ đã tạo thành đường đi cho phụ gia khoan hầm trào lên mặt đất (các giếng nước và cống cũ này không còn được sử dụng).
Theo quy trình của dự án, trước khi thi công khoan hầm, tư vấn và nhà thầu đã tiến hành khảo sát công trình dọc tuyến. Tuy nhiên, do sự thay đổi chủ sở hữu các công trình theo thời gian, nhiều thông tin không được cung cấp đầy đủ nên không tránh khỏi còn thiếu dữ liệu về các công trình ngầm như giếng nước, giếng khoan của nhà dân, hoặc các lỗ khoan khảo sát địa chất từ các dự án trước đây không được lấp lại.

Phương tiện và nhân công được huy động đến xử lý sự cố. Ảnh: Trung Nguyên
Trong quá trình khoan, phụ gia khoan hầm được phun áp lực để giữ ổn định đất trước gương đào. Khi gặp phải lỗ hở như giếng nước, lỗ khoan thì phụ gia khoan hầm sẽ theo các lỗ rỗng này trào lên mặt đất.
MRB cho biết hiện tượng này chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và kết thúc ngay sau khi máy TBM khoan qua và lắp đặt vỏ hầm. Đây là một hiện tượng thông thường trong quá trình thi công các công trình khoan hầm trong đô thị.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, chủ đầu tư đã chỉ đạo tư vấn và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị và nhân lực để khắc phục theo quy trình của dự án bao gồm việc hút sạch vữa khoan và làm sạch bề mặt khu vực bị phụt vữa, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường nguyên trạng.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5 km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy dài 8,5 km (đã khai thác thương mại), đoạn đi ngầm Cầu Giấy – ga Hà Nội dài 4 km.
Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2027.
Nguồn: https://nld.com.vn/suoi-bun-dat-bat-ngo-phun-trao-giua-khu-dan-cu-noi-do-ha-noi-196250220194303731.htm