Nhìn lại 1 năm qua với những trận thua ở vòng loại thứ 2 World Cup 2026 và Asian Cup 2023, bên cạnh trách nhiệm của HLV Troussier, hãy thẳng thắn thừa nhận: đội tuyển VN đang thiếu lứa kế cận đủ tầm để vạch ra chiến lược dài hơi hướng tới sân chơi châu Á cũng như thế giới.
ĐÀO TẠO TRẺ ĐI XUỐNG
Khi mới tiếp quản ghế HLV trưởng đội tuyển VN thay ông Park Hang-seo, HLV Philippe Troussier đã nêu quan điểm: “Bóng đá VN cần 100 cầu thủ cho mục tiêu World Cup”. Danh sách nói trên bao gồm những trụ cột dưới thời ông Park, cùng những cầu thủ trẻ ở cấp độ U.23, U.19, U.17, thậm chí U.15, cần được “nhào nặn” vào chung một guồng máy, cùng được thấm nhuần một triết lý huấn luyện, để tạo ra đội tuyển VN đầy sức cạnh tranh cho những mục tiêu lâu dài.
Trong 1 năm ngắn ngủi đồng hành, HLV Troussier đã tích cực trẻ hóa đội tuyển VN, với rất nhiều gương mặt được trao cơ hội như Tuấn Tài, Minh Trọng, Văn Tùng (sinh năm 2001); Thái Sơn, Văn Khang (sinh năm 2003); Đình Bắc (sinh năm 2004). Mục tiêu của chiến lược gia người Pháp là nhào nặn lớp kế cận để từng bước thay thế đàn anh. Đây là cách làm gần giống chiến lược mà ông Park từng áp dụng ở đội tuyển VN đầu năm 2018, khi ông cũng đưa một loạt cầu thủ trẻ lên đội tuyển. Tuy nhiên, tại sao ông Park thành công rực rỡ, còn HLV Troussier thất bại? Bên cạnh khác biệt về triết lý huấn luyện giữa hai nhà cầm quân, chất lượng cầu thủ cũng trở thành một trong những nguyên nhân chủ yếu.
Nên nhớ, trước khi HLV Park Hang-seo tiếp quản đội tuyển, lứa cầu thủ sinh năm 1995 – 1997 đã có nhiều năm thi đấu ở V-League. Thế hệ của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh, Văn Thanh, Hồng Duy, Xuân Trường… được đào tạo bài bản theo giáo án chuẩn châu Âu, tập huấn và giao hữu với đối thủ mạnh liên tục, “va đập” tại V-League ở tuổi đôi mươi. Lứa Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu cũng gây ấn tượng mạnh khi giành vé dự U.20 World Cup 2017, vô địch nhiều giải trẻ. Hai lứa tài năng gặp nhau ở một thời điểm, để rồi với HLV phù hợp, bóng đá VN đã cất cánh.
Đây cũng là giai đoạn bóng đá VN nở rộ những trung tâm đào tạo trẻ nổi danh như Hà Nội, PVF, HAGL, Viettel hay SLNA. “Lò luyện ngọc” nào cũng có những sản phẩm đáng tự hào. Đơn cử, Hà Nội có Quang Hải, Đình Trọng, Duy Mạnh, Văn Hậu; HAGL có lứa khóa 1 và 2 đã quá nổi tiếng; Viettel có Hoàng Đức, Bùi Tiến Dũng, hay SLNA có Văn Đức, Xuân Mạnh. Tuy nhiên vẫn là những trung tâm ấy, lúc này lại chưa thể sản sinh lứa cầu thủ giỏi có đẳng cấp tiệm cận đàn anh. Những “viên ngọc thô” ở cấp độ U.23, U.19 hiện tại đều thiếu gương mặt nổi trội. Ở sân chơi trẻ, U.22 VN chỉ giành HCĐ tại SEA Games 32 sau hai kỳ liên tục giành vàng. Tỷ lệ cầu thủ U.23 được đôn lên thi đấu và đặt dấu ấn tại V-League cũng suy giảm nghiêm trọng so với trước đây.
PHỤ THUỘC TÚI TIỀN ÔNG CHỦ
Theo chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương, bóng đá trẻ VN xuống dốc là bởi thiếu đầu tư, cũng như thiếu một quy trình đào tạo chuẩn mực: “Bóng đá VN đã có 20 năm khoác áo chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không có định hướng phát triển cụ thể, nên các CLB sống chủ yếu vào túi tiền và niềm vui của ông bầu. Còn bóng đá không tự thân làm ra tiền. Do đó, dù VN có 26 CLB chuyên nghiệp ở V-League và hạng nhất, nhưng phần nhiều không đủ tiêu chuẩn theo quy định của FIFA, AFC về vấn đề tài chính, cơ sở vật chất, điều kiện đào tạo cầu thủ. Rất ít CLB chăm sóc khâu đào tạo trẻ, còn lại đều đầu tư từ ngọn”.
Chuyên gia phụ trách bóng đá học đường của Liên đoàn Bóng đá TP.HCM phân tích: “Ngay cả với những đội chăm bẵm tốt cho lứa trẻ cũng không có quy trình đào tạo trẻ thống nhất trên toàn quốc. PVF, Viettel, Hà Nội hay HAGL, mỗi nơi làm một kiểu, không có quy chuẩn nào. Việc tuyển chọn, đào tạo trẻ cũng không ứng dụng khoa học kỹ thuật, mà chủ yếu dựa trên chủ nghĩa kinh nghiệm. Các nhà tuyển chọn, huấn luyện chưa thể đưa ra một công thức, triết lý đào tạo lối chơi mang tính thống nhất để hình thành hệ thống. Còn hiện tại, mỗi trung tâm đào tạo chơi một “phách”, đầu tư phù hợp vào túi tiền ông chủ, chứ chưa thấy tương lai lâu dài. Vì vậy, đào tạo trẻ ở VN mang tính… hên xui, may mắn lắm thì được lứa giỏi, chứ chưa có sản phẩm tốt một cách đều đặn”.
CẦN TÁI CẤU TRÚC NỀN TẢNG
Ông Đoàn Minh Xương nhấn mạnh: “Thành công của HLV Park Hang-seo gắn liền với thế hệ cầu thủ sinh năm 1995 – 1997. Đây cũng là giai đoạn mà các trung tâm đều đào tạo khá ổn, tạo ra ồ ạt nhân tài. Một thế hệ tốt cùng một HLV phù hợp đã giúp bóng đá VN tạo nên lịch sử. Nhưng cũng vì thế mà chúng ta ngộ nhận sức mạnh của mình, để rồi khi hạn chế đã bộc lộ ra thì giờ phải sửa lại”.
Ông Xương cũng cho hay: “Bóng đá VN phải tái cấu trúc nền tảng, xác lập lại mô hình phát triển bóng đá ở cả khía cạnh chuyên nghiệp lẫn phong trào. Ở khâu đào tạo trẻ, bóng đá VN cần quy tụ nguồn lực xã hội, có thêm sự chung tay từ doanh nghiệp để nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất và nguồn lực quản lý. Có nhân sự điều hành và làm chuyên môn giỏi thì cầu thủ mới giỏi được. Không có thầy giỏi, đừng mong trò hay”. (còn tiếp)
XÂY MÓNG Ở CLB THẬT CHẮC
Chuyên gia Đoàn Minh Xương tư vấn: “VFF cũng cần phối hợp với các nhà chuyên môn, vạch ra quy chuẩn, tiêu chí cơ bản cho đào tạo trẻ để các đội bóng đi theo. Chúng ta cần hiểu sẽ đào tạo cầu thủ từ 11 – 13 tuổi thế nào, từ 13 – 17 tuổi ra sao, theo triết lý nào cho phù hợp với bóng đá hiện đại. Hãy xây móng ở CLB thật chắc, rồi vạch ra lộ trình đầu tư cho đội tuyển quốc gia, cho U.23 VN theo những mục tiêu ngắn và dài hạn. Chúng ta sẽ đầu tư cho đội tuyển VN thế nào, với mục tiêu gì, còn U.23 VN được định hướng ra sao để kế cận đàn anh cho tương lai gần. HLV ở đội tuyển VN sẽ có người đến, người đi, quan trọng là nội lực bóng đá VN được xây dựng thế nào thôi”.