Bức ảnh cà phê “vỉa hè” cùng Thủ tướng Jean Castex trên Facebook cá nhân của Tổng thống Emmanuel Macron ngày 19-5 vừa qua đánh dấu giai đoạn thứ hai trong nỗ lực từng bước dỡ bỏ lệnh phong tỏa sau làn sóng Covid-19 thứ ba tại Pháp (kể từ giữa tháng 3).
Trước đó vài tuần, tại thủ đô Paris, dọc hai bên đường Choisy và Ivry của quận 13 – nơi tập trung nhiều người châu Á sinh sống, không khí đã rất nhộn nhịp. Nhân viên nhà hàng Việt Nam, Trung Quốc tất bật dọn dẹp, lau chùi bàn ghế sau hơn 6 tháng chỉ được phục vụ mang về. Thợ mộc làm việc hết công suất, tranh thủ dựng những mái hiên, phông bạt trước tiệm để kịp đón khách.
Khu chợ Thanh Bình, Tangfrère, Paris Store tấp nập người mua sắm, chuẩn bị cho các quán ăn hoặc một bữa họp mặt gia đình sau thời gian dài cách ly xã hội.
Những ngày đầu dỡ bỏ phong tỏa, dù thời tiết không chiều lòng nhưng rất đông người tranh thủ ra đường tận hưởng lại không khí “hàng quán”. Quán bia Au P’Ty Zinc ngay tầng trệt Trung tâm Thương mại Massena rổn rảng tiếng cười nói, bàn tán bằng tiếng Việt, tiếng Hoa của những bác trung niên về một trận đua ngựa trực tiếp trên tivi.
Những quán cà phê ở quận 5 gần khu đại học chật kín sinh viên sau giờ tan trường. Tác giả bài viết đã phải bỏ cuộc khi thấy dòng người – cả dân bản xứ lẫn người châu Á – xếp hàng dài dằng dặc trước một quán phở nổi tiếng ở quận 13.
Tác giả (giữa) đi dã ngoại tại Paris gần đây sau khi Pháp dỡ bỏ bớt phong tỏa. Pháp hiện cho tập trung không quá 6 người
Về vấn đề tiêm chủng, tính đến nay, nước Pháp đã tiêm được khoảng 40 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân. Gần 50% dân số đã được tiêm ít nhất 1 liều và 20% dân số tiêm đủ 2 liều. Với tư cách là nhân viên y tế, tôi được ưu tiên tiêm từ 3 tháng trước.
Hiện nay, tất cả công dân sinh sống tại Pháp từ 18 tuổi trở lên đã có thể tiếp cận vắc-xin. Địa điểm tiêm được mở rộng tùy theo loại thuốc để giảm tải cho các trung tâm tiêm ngừa, bệnh viện và giúp người dân dễ tiếp cận hơn – như tại nhà thuốc, bác sĩ gia đình, bác sĩ ở cơ quan hay các phòng khám của y tá/nữ hộ sinh.
Chú Thắng, một tài xế taxi, tâm sự kể từ ngày dịch bùng lên, chú thất nghiệp do chính phủ Pháp đóng cửa du lịch. Dạo gần đây, chú có “nghề tay trái” là chở các cô chú người Việt đi tiêm phòng. Theo quan sát của chú, lúc đầu nhiều người e ngại phản ứng phụ. Từ khoảng 2 tháng nay, khách đặt hẹn chú chở đi tiêm ngày càng nhiều. Họ không còn tâm lý sợ vắc-xin cũng như “phải lựa chọn” loại vắc-xin.
Tại Pháp, có 3 loại vắc-xin đang được sử dụng: AstraZenaca, Moderna và Pfizer-BioNTech, trong đó chỉ có AstraZeneca là không được sử dụng cho nhóm dưới 55 tuổi do các tác dụng ngoại ý liên quan đến rối loạn đông máu. Đến nay, chúng tôi không nghe thấy trường hợp phản ứng ngoại ý nặng nề nào liên quan đến vắc-xin trong cộng đồng người Việt tại Pháp.
Huy hiệu đã tiêm phòng trên áo bác sĩ Vân Thanh
Từ ngày 9-6, nước Pháp bước vào giai đoạn 3 của tiến trình dỡ bỏ phong tỏa: giờ giới nghiêm dời đến 23 giờ (trước đây lần lượt là 18 giờ và 21 giờ), các nhà hàng được phục vụ tại chỗ, du lịch mở cửa với đối tượng đã tiêm ngừa đầy đủ. Dù vậy, cộng đồng người Việt tại Pháp vẫn luôn dè chừng, nhất là khi Viện Pasteur cảnh báo làn sóng dịch thứ 4 có thể xuất hiện trong mùa hè này nếu người dân quá chủ quan.
Một du học sinh ngành kiến trúc tên Linh cho hay dù đã được tiêm ngừa đầy đủ, bạn vẫn hạn chế đến nơi đông người, luôn đeo khẩu trang và rửa tay khử khuẩn thường xuyên. Bác Wong – người Việt gốc Campuchia, chủ nhà hàng Hủ tiếu Nam Vang – tiếp tục bán mang về mà không đặt bàn ghế, một phần vì bác muốn chờ tình hình dịch bệnh ổn định hơn, mặt khác bác tin rằng hương vị gia truyền của quán vẫn thu hút được khách hàng.
Có lẽ khó chịu nhất là các cô chú kiều bào lớn tuổi phải nhốt mình trong nhà trong khi người trẻ, người có việc làm vẫn có thể đi học, đi làm trực tiếp hoặc online. Vì lẽ đó, họ luôn hoài mong ngày về quê hương khi tấm “hộ chiếu vắc-xin” được chấp nhận.
Nói chung tình hình dịch bệnh tại Pháp cũng như một số quốc gia châu Âu khác hiện khá ổn. Từ sự thờ ơ với đợt bùng phát đầu tiên; thái độ lo lắng, nghiêm túc cộng chút hoang mang ở đợt dịch thứ hai; đến đợt thứ ba này, họ đối diện với tâm thế bình tĩnh, trong đó vai trò phòng thủ chủ động của vắc-xin được nhận thức rõ và phát huy hiệu quả.
Phỏng tiêm vắc-xin ở bệnh viện mà bác sĩ Vân Thanh đang làm việc