Ngày 30-3, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức chương trình Ngày hội việc làm – kết nối thành công (UET Job Fair 2024).
Chương trình có sự tham dự của gần 60 doanh nghiệp với khoảng 80 gian hàng tuyển dụng đa dạng ngành nghề, lĩnh vực công nghệ. Tại đây, sinh viên được trực tiếp thể hiện năng lực, kinh nghiệm bản thân, trải nghiệm quá trình phỏng vấn, tuyển dụng tại các công ty, doanh nghiệp khác nhau.
Bỏ ngang đại học nhận lương lẹt đẹt
Phát biểu tại chương trình, GS.TS Chử Đức Trình – hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết hiện nay thị trường lao động Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới, yêu cầu chất lượng lao động rất cao.
Theo ông Trình, với đặc trưng của nhóm ngành công nghệ, nếu sinh viên đi làm ngay từ khi đang còn ngồi trên giảng đường mà lơ là việc học sẽ bỏ qua những kiến thức, kỹ năng cơ bản được học trong trường.
Ngoài ra, nhóm sinh viên này cũng sẽ rất khó thực hiện những công việc mang tính đổi mới sáng tạo, bởi đây là công việc chỉ có thể thực hiện được khi các bạn có kiến thức, kỹ năng vững chắc được học từ trong trường.
Ông Trình nêu quan điểm việc quan trọng nhất của sinh viên là học, sau khi học xong có nền kiến thức cơ bản thì mới có thể làm việc và phát triển tốt tại các doanh nghiệp. Nếu không đủ kiến thức cơ bản mà đã bỏ để ra ngoài, các em dễ bị rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”, sẽ khó vượt lên.
Cụ thể, nhiều sinh viên đi làm từ khi còn đang đi học với thu nhập 5 – 10 triệu đồng/tháng nhưng không thể tốt nghiệp đại học, việc này tồn tại ở nhiều trường đại học trên cả nước.
“Bẫy thu nhập trung bình nghĩa là lúc đầu các em đi làm từ sớm và có tiền, nhưng sau một thời gian công việc này sẽ không vững chắc, không thể đạt mức lương cao hơn, không thể vươn lên làm lãnh đạo nhóm, mà chỉ có thể là nhân công bình thường cho đến khi nghỉ hưu. Trong khi đó, nếu các em đi học rất giỏi, kỹ năng rất giỏi, sau này người đó từng bước thăng tiến.
Nếu có khó khăn sinh viên cần chia sẻ với nhà trường và cộng đồng để vượt qua, không lấy khó khăn trước mắt để đầu tư cho việc đi làm, đây là việc mang tính ngắn hạn”, ông Trình lý giải.
Không tuyển nhân sự chưa tốt nghiệp đại học
Có mặt tại chương trình, bà Đậu Thanh Hòa – trưởng phòng nhân sự LG R&D Việt Nam – cho biết Công ty LG cũng không tuyển dụng sinh viên đang còn đi học, không có chương trình thực tập. Công ty có chương trình duy nhất là học bổng LG, trao cho sinh viên năm cuối sẵn sàng đi làm sau khi nhận học bổng.
“Thông thường khi tuyển dụng công ty yêu cầu người ứng tuyển có 1 năm kinh nghiệm và phải thực sự giỏi. Do vậy các bạn sinh viên phải tính về lâu dài, nên thực sự tập trung vào một việc ở một thời điểm, trau dồi kỹ năng cho công việc sau này. Nếu muốn làm thêm để trang trải chi phí thì chỉ nên đi làm một chút thời gian cuối tuần”, bà Hòa nói.
Theo ông Phạm Tuấn Anh – đại diện Nền tảng công nghệ tuyển dụng Joboko, “việc tuyển dụng một sinh viên chưa hoàn thiện đầy đủ các kỹ năng, kiến thức chuyên môn đôi khi sẽ tạo ra những hệ lụy tương lai cho chính các bạn sinh viên, doanh nghiệp cũng sẽ không có nguồn nhân lực “đi xa”, chỉ đáp ứng công việc ngắn hạn”.
10% sinh viên không nhận được bằng tốt nghiệp mỗi khóa
Theo ông Trình, tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp trung bình của Trường đại học Công nghệ mỗi khóa là khoảng 90% (khoảng 60% tốt nghiệp đúng hạn), còn lại khoảng 10% sinh viên không nhận được bằng, trong đó có một lượng rất nhỏ các em rất giỏi, tham gia khởi nghiệp nhưng trong đó không ít các em dính vào “bẫy thu nhập trung bình”.
“Bên cạnh công tác hướng dẫn thực tập, các doanh nghiệp không nên tuyển hoặc giao việc chính cho sinh viên chưa tốt nghiệp. Sinh viên khi chưa tốt nghiệp thì học phải ra học, sau khi tốt nghiệp phải làm ra làm.
Thời gian tới cộng đồng các doanh nghiệp, nhà quản trị và các trường đại học phải cùng có những biện pháp để hạn chế tình trạng trên”, ông Trình nhấn mạnh.