TP – Từ ngày 14/2, Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực. Tuy nhiên, một số quy định mới khiến các trường lúng túng, cần hướng dẫn sớm của sở GD&ĐT.
TP – Từ ngày 14/2, Thông tư 29 quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT có hiệu lực. Tuy nhiên, một số quy định mới khiến các trường lúng túng, cần hướng dẫn sớm của sở GD&ĐT.
Dừng nhiều lớp học thêm
Hàng loạt trường học gửi thông báo đến phụ huynh dừng các lớp học thêm dưới dạng bổ trợ trong trường. Anh Nguyễn Văn Lợi, có con đang học tại một trường THCS ở Hà Nội, cho hay, trước đây, buổi chiều các con có 2 tiết học bổ trợ tiếng Anh. Từ tuần này, lớp học dừng và các con tan học vào lúc 15h30. Anh Lợi lo lắng, nếu nhà trường không bố trí được các hoạt động khác, gia đình gặp khó về việc đưa đón con.
Hiện các trường cũng lúng túng chưa biết triển khai việc học bổ trợ trong trường đối với phần lớn học sinh. Bởi hiện nay, nhà trường chỉ dạy bổ trợ miễn phí cho học sinh thi chuyển cấp có nguy cơ không đỗ tốt nghiệp.
Bà Nguyễn Thu Hương, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội), cho biết, từ đầu tháng 2, tất cả lớp học buổi 2 cũng như ôn tập cho học sinh lớp 9 đã được nhà trường thông báo tạm dừng. Nhà trường vẫn đảm bảo dạy đúng, dạy đủ chương trình chính khóa theo kế hoạch. Bà Hương cho hay, dự kiến khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố môn thi thứ ba tuyển sinh lớp 10, nhà trường có kế hoạch ôn tập miễn phí cho học sinh cả 3 môn nếu các em có nhu cầu. Nguồn kinh phí hỗ trợ giáo viên dạy được nhà trường tính toán, có thể trích từ quỹ chi thường xuyên để chi trả theo quy định dạy thừa giờ.
Học sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024 ở Hà Nội. Ảnh: NHƯ Ý |
Bà Nguyễn Thị Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết, nhà trường không gặp khó khăn khi thực hiện thông tư dạy thêm, học thêm vì lâu nay vẫn tổ chức dạy phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí học sinh giỏi, tổ chức ôn tập cho học sinh thi tốt nghiệp THPT. Theo bà Quỳnh, trách nhiệm của giáo viên trước hết là dạy đủ số tiết quy định, nếu dạy thêm giờ sẽ được trích từ quỹ chi thường xuyên để trả theo quy định dạy thêm giờ. Nhà trường phải căn cứ vào các văn bản hướng dẫn để xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, chi tiêu tiết kiệm để có kinh phí chi trả dạy thêm giờ cho giáo viên thay vì thu của học sinh. Tuy nhiên, số tiết dạy thêm quá nhiều.
Các trường đang đợi câu trả lời cho câu hỏi nếu không thu tiền người học, trường học sẽ sử dụng nguồn thu nào để hỗ trợ giáo viên tham gia ôn tập cho học sinh?
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các địa phương hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các nhà trường để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Như vậy, các địa phương cần có hướng dẫn cụ thể cho các trường thực hiện, giáo viên cũng yên tâm vì có kinh phí khi thực hiện bổ trợ kiến thức cho học sinh.
Chồng chéo quy định
Tuy nhiên, một số quy định tại Thông tư 29 đang khiến giáo viên và nhà trường lúng túng. Cô Trần Bích Hà, giáo viên dạy tiếng Anh tại Hà Nội, băn khoăn, cô kí hợp đồng đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh và việc tuyển sinh hoàn toàn do trung tâm thực hiện. Chương trình cô dạy tại trung tâm tiếng Anh theo các giáo trình khác với SGK hiện hành trong nhà trường. Vậy việc làm thêm của cô có bị tính là tham gia dạy thêm phải tuân thủ quy định tại Thông tư 29 hay không, nếu trong lớp học tại trung tâm có học sinh mà cô đang dạy tại trường? Cô Lương Thị Trình, giáo viên Ngữ văn tại Nam Định, chia sẻ, ở huyện không có trung tâm bồi dưỡng văn hóa hay dạy thêm nên theo quy định mới, dù có học sinh ngoài trường muốn học, cô cũng không được tổ chức lớp dạy.
Ghi nhận tại Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, nếu áp dụng theo Thông tư 29, các trường THCS dạy 2 buổi/ngày có thể vi phạm quy định. Vì theo quy định của HĐND các tỉnh/thành phố, nhà trường được thu tiền học buổi 2 theo quy định.
Để thực hiện theo đúng thông tư, các trường chuyển hết sang dạy 1 buổi/ngày. Còn nếu tổ chức dạy 2 buổi/ngày (được phép thu tiền) thì nhà trường phải xây dựng lại kế hoạch tổ chức hoạt động trong nhà trường với điều kiện phụ huynh đồng thuận đăng ký cho con em tham gia tự nguyện.
Từ năm 2010 đến nay, việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày vẫn được các trường áp dụng theo Công văn 7291 của Bộ GD&ĐT, được thu phí. Theo Công văn 7291, hình thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày gồm các hoạt động giáo dục phù hợp với đối tượng. Cụ thể như sau: tổ chức các hoạt động giáo dục theo nhóm năng khiếu, sở thích, mỗi nhóm có thể bao gồm học sinh từ các lớp khác nhau; phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức trên cơ sở nắm chắc chất lượng học sinh, giáo viên chủ nhiệm phối hợp với giáo viên bộ môn lập danh sách học sinh theo nhóm học lực yếu kém hoặc học sinh giỏi của từng môn học, báo cáo hiệu trưởng để tổng hợp tổ chức lớp, phân công giáo viên; dạy học tự chọn căn cứ vào các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tổ chức học sinh có cùng nguyện vọng, nhu cầu học tập các môn tự chọn phù hợp với điều kiện thực tế của trường thành các lớp học tự chọn.
Trong khi đó, khoản 1, điều 5 Thông tư 29 quy định việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh và chỉ dành cho các đối tượng học sinh đăng kí học thêm theo từng môn như sau: học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kì liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi tuyển sinh, tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Đối chiếu với Thông tư 29, từ ngày 14/2, các nhà trường không được thu tiền khi tổ chức dạy học 2 buổi/ngày với những học sinh diện phụ đạo, củng cố và ôn tập kiến thức theo Công văn 7291.
Lãnh đạo các trường đề xuất giải pháp để thực hiện Thông tư 29 đúng quy định là rà soát kế hoạch giảng dạy, tách biệt các hoạt động dạy và học thêm với chương trình chính khóa. Tổ chức hoạt động dạy và học thêm theo hướng phát triển năng lực, kĩ năng cho học sinh thay vì chỉ củng cố, bổ sung kiến thức. Ngoài ra, nhà trường sẽ lấy ý kiến đồng thuận của phụ huynh và học sinh về các hoạt động dạy, học thêm. Để thực hiện, các trường cần có văn bản hướng dẫn cụ thể từ các cấp quản lí.
Nguồn: https://tienphong.vn/siet-day-them-hoc-them-cac-truong-lung-tung-post1715916.tpo