Những thương vụ triệu USD
Trong nhiều năm liền, ông Nguyễn Ngọc Thủy nổi như cồn trong giới đầu tư khi tham gia Shark Tank Việt Nam 3 mùa đầu tiên và gắn với biệt danh Shark Thủy. Hàng loạt thương vụ đầu tư vào các công ty trên truyền hình đã làm nên tên tuổi của doanh nhân này.
Tại mùa 1 Shark Tank Việt Nam (đầu năm 2018), nhà đầu tư Shark Thủy đã làm nóng chương trình và gây ấn tượng mạnh mẽ khi cam kết rót vốn 15 tỷ đồng (đổi lấy 45% cổ phần) để cứu vớt dự án startup chuỗi cửa hàng đậu nành Soya Garden.
Lời đề nghị được đưa ra khi không ai “xuống tiền” vì lo ngại chuỗi 8 cửa hàng khi đó có doanh thu rất ít, chỉ khoảng 300 triệu đồng/tháng, mới thành lập được năm rưỡi cũng như các nhà sáng lập trẻ khá lúng túng khi được hỏi về tình hình kinh doanh cũng như chiến lược.
Soya Garden sau đó tăng vốn từ 30 triệu lên 20 tỷ đồng và một năm sau lên 100 tỷ đồng. Thế nhưng, sau 3 năm, từ một chuỗi có 50 cửa hàng, Soya Garden gần như biến mất tại cả Hà Nội và TP.HCM. Nhà đồng sáng lập rời Soya Garden. Đây là một thương vụ thất bại của Shark Thủy.
Vị khách mời Shark Tank Việt Nam này còn có nhiều thương vụ đầu tư đình đám, như startup chuyên về trò chơi nhập vai thực tế 5D We Escape thu hút giới trẻ; mô hình du lịch tình nguyện Volunteer For Education; ứng dụng quay và chia sẻ video Umbala; mô hình quán cà phê kết hợp dạy tiếng Anh Talks Café 100% English; dự án sản xuất xe lăn đa năng cho người khuyết tật…
Nhiều triệu USD đã được bơm vào các dự án, nhưng hầu hết không có kết quả gì, đặc biệt sau 2 năm Covid. Điều đọng lại là tên tuổi của Shark Thủy ngày càng nóng.
Lùm xùm tại chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam
Thành công lớn nhất của Shark Thủy có lẽ là xây dựng được chuỗi trung tâm tiếng Anh lớn nhất Việt Nam: Apax English và EnglishNow.
Trong một thời gian dài, Apax English và EnglishNow được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Apax Holdings (IBC) – một thành viên trực thuộc Tập đoàn Egroup của Shark Thủy. Tới cuối năm 2022, Shark Thủy sở hữu 6,17% vốn IBC, trong khi Egroup nắm gần 16,8%.
Theo giới thiệu, Apax Holdings nắm 66,36% vốn tại CTCP Anh ngữ Apax (Apax English/Apax Leaders). Hệ thống này khi cao điểm có hơn 120 trung tâm trên toàn quốc với thương hiệu Apax Leaders, trải rộng tại hơn 30 tỉnh thành với khoảng 120.000 học viên.
Những năm trước dịch, Apax Holdings có giai đoạn tăng trưởng nóng, liên tục mở trung tâm. Doanh thu đạt 1.000 tỷ vào năm 2018 và tăng gấp đôi lên 2.000 tỷ trong năm 2020.
Nhưng sau dịch Covid-19, hàng loạt trung tâm Anh ngữ Apax Leaders bị giáo viên tố nợ lương, trong khi phụ huynh dồn dập đòi tiền.
Trong một công văn giải trình gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) hồi tháng 11/2022, ông Nguyễn Ngọc Thủy cho hay, sau khi rà soát, kiểm tra và xác minh, kết quả cho thấy những vấn đề báo chí đưa ra (về việc nhiều trung tâm bị giáo viên tố nợ lương, phụ huynh đòi tiền) đang là những tồn tại của Apax English; lãnh đạo của Apax English đã và đang phối hợp với Apax Holdings để có những phương án xử lý phù hợp.
Tăng trưởng nóng mảng giáo dục, mắc kẹt vì bất động sản
Có thể thấy, sau khi nhìn thấy cơ hội trong mảng giáo dục có quy mô cả tỷ USD, Shark Thủy đã đẩy Apax Holdings tăng trưởng nóng, mở rộng hệ thống các trung tâm đào tạo tiếng Anh với tốc độ cực nhanh và trở thành chuỗi tiếng Anh lớn nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, đại dịch xảy ra và các quy định giãn cách xã hội khiến các trung tâm giáo dục, trong đó có Apax, gặp khó. Năm 2022, IBC vẫn ghi nhận doanh thu tăng nhưng đã bắt đầu lỗ ròng. Nợ nần tăng nhanh.
Không chỉ IBC lỗ và nặng nợ, Egroup của Shark Thủy cũng mắc nợ trái phiếu và không có khả năng thanh toán.
Hồi cuối năm 2022, trong buổi trao đổi trực tiếp tại VietNamNet, chính ông Nguyễn Ngọc Thủy thừa nhận Apax English đã phát triển quá nóng.
Doanh nhân gốc Hà Nội chia sẻ, từ giữa năm 2019, ông có kế hoạch giảm chi phí vay, tái cấu trúc từ vay nợ sang gọi vốn và tiếp xúc các quỹ đầu tư và gọi vốn vào 2020. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xảy ra, kế hoạch đó cũng bị thay đổi.
Ông Thủy nói thêm, trên đà chiến thắng, doanh nghiệp đi khá nhanh và gặp cú vấp lớn vào năm 2019. Đây cũng là khoảng thời gian Egroup mở thêm nhiều trung tâm Anh ngữ nhất, hoạt động trong thời gian rất ngắn đã phải đóng cửa. Có thời điểm, doanh nghiệp tổn thất gần 1.000 tỷ đồng trong 6 tháng. Chi phí lãi vay, chi phí tài chính khiến Egroup “vô cùng vất vả”.
Apax Holdings của Shark Thủy thêm phần khó khi lấn sân sang bất động sản. Thị trường bất động sản trầm lắng và gần như đóng băng từ năm 2022 tới nay đẩy không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản.
Sau 3 mùa tham gia Shark Tank Việt Nam, từ 2017-2019, cuối năm 2022 chính Shark Thủy lại đi tìm nhà đầu tư để cứu mình.
Ông Thủy đã nỗ lực làm việc với các quỹ đầu tư để gọi vốn, nhưng dường như không thành công.
Trong khoảng 2 năm qua, doanh nghiệp của Shark Thủy tái cấu trúc, dùng cả bất động sản và đồ gia dụng để gạt nợ cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, Apax Holdings vẫn không thoát khỏi bùn lầy. Cổ phiếu IBC về mức “trà đá”, dưới 2.000 đồng/cp, giảm hơn 10 lần trong thời gian ngắn.
IBC bị đẩy từ HOSE xuống sàn Upcom, nhưng cổ phiếu vẫn bị đình chỉ giao dịch do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin.
Thông tin từ Bộ Công an cho hay, ngày 25/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an vừa thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Ngọc Thủy (Shark Thủy), đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần tập đoàn giáo dục Egroup và Công ty cổ phần đầu tư và phân phối Egame để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngay sau khi ‘Shark’ Thủy bị bắt, sáng nay Công ty cổ phần Tập đoàn Giáo dục Egroup đã phát đi thông cáo cho biết ông Thủy đã ủy quyền điều hành và toàn bộ quyền sở hữu cổ phần, quyền cổ đông tập đoàn và công ty con Egame cho bà Nguyễn Thị Dung. Bà Dung là em gái ruột của ông Thủy, đang đảm nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị Egame và thành viên ban lãnh đạo Egroup.
“Ông Thủy đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề có liên quan”, thông cáo nêu.