Trao đổi với Báo Kinh tế & Đô thị về những điểm mới của dự thảo, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Dự thảo về quản lý dạy thêm, học thêm hướng đến cấm những hiện tượng tiêu cực; không cấm nhu cầu có thực, chính đáng của người dạy, người học.
Nhiều quy định chặt chẽ về quản lý dạy thêm, học thêm
Phân tích những điểm mới, điểm khác biệt giữa dự thảo với thông tư hiện hành, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, trước đây, trong quy định có nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm, học thêm thì trong dự thảo lần này, nội dung trên đã được điều chỉnh để đảm bảo sự công bằng, phù hợp.
Đơn cử, tại Điều 3 – Nguyên tắc dạy thêm, học thêm, dự thảo nêu: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với những trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ngày”. Hiện nay, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đang thiết kế bắt buộc tiểu học dạy học 2 buổi/ngày, vì vậy sẽ không dạy thêm, học thêm trong trường với cấp tiểu học. Và như thế, dự thảo bảo đảm sự công bằng giữa tiểu học và THCS, THPT.
Nếu như trước đây, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường có hiện tượng phân biệt giữa “môn chính, môn phụ”, giữa giáo viên này với giáo viên kia thì nay đã có giải pháp khắc phục. Đó là, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn. Việc đề xuất của tổ chuyên môn sẽ được lập thành biên bản, có chữ ký của tổ trưởng và thư ký là một giáo viên được bầu trong cuộc họp.
“Việc quản lý dạy thêm, học thêm trong nhà trường mà dự thảo đang xin ý kiến hướng tới quy định một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh”, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành phân tích.
Tại dự thảo, Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm: lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.
Quy định về số tiết/tuần như trên đã được thực hiện từ năm 2010 theo Công văn số 7291/BGDĐT-GDTrH ngày 1/11/2010 hướng dẫn dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học. Tổng thời lượng dạy học trong nhà trường, tính cả dạy thêm, học thêm trong dự thảo không được vượt quá số tiết tại quy định này.
Một điểm mới nữa đề cập trong dự thảo, đó là đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm trước hết phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật. Cần lưu ý, đây không phải quy định của Bộ GD&ĐT mà là quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Tiếp đó, cơ sở dạy thêm phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm.
Toàn dân tham gia giám sát
Dự thảo quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm nhưng thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm. Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm.
Với trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì giáo viên phải báo cáo, lập danh sách học sinh gửi hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm. Quy định này giúp hiệu trưởng có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.
Theo quy định hiện hành, khi muốn tham gia học thêm, phụ huynh phải viết đơn tự nguyện xin học thêm rồi nhà trường mới xây dựng kế hoạch dạy thêm, học thêm. Nhưng dự thảo lần này, việc dạy thêm, học thêm do tổ chuyên môn đề xuất. PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: với quy định này sẽ không còn tình huống “ép” học sinh, phụ huynh tự nguyện viết đơn. Dự thảo quy định, mọi thông tin về dạy thêm, học thêm phải có trước rồi học sinh và phụ huynh mới có căn cứ để đăng ký dựa trên nhu cầu và mong muốn thực tế của từng học sinh.
Dự thảo cũng nêu rõ: nhà giáo (bao gồm cả hiệu phó) trường công lập khi dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng để lưu hồ sơ. Dự thảo không cấm giáo viên dạy thêm chính học sinh của mình khi học sinh và phụ huynh thực sự có nhu cầu, tuyệt đối không được ép buộc.
Như vậy, dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin, báo cáo khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Điều này để cấm những hiện tượng tiêu cực và không cấm những nhu cầu có thực, chính đáng của cả người dạy và người học.
Dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” để tránh hiện tượng gây bức xúc trong dư luận, đó là việc nhiều người cho rằng “được điểm cao vì đi học thêm và vì biết trước đề”.
Cũng trong dự thảo có nhiều quy định cho thấy, việc giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD&ĐT hay chính quyền địa phương mà còn có sự tham gia của toàn dân, trong đó có học sinh và phụ huynh.
“Dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế của cả người dạy, người học. Những giáo viên giỏi sẽ luôn có những học sinh hiếu học muốn học để phát triển được năng lực của các em. Vấn đề hiện nay dư luận đang rất bức xúc, đó là giáo viên dạy học sinh ở trường hoặc dùng nhiều hình thức để ép học sinh học thêm do chính mình dạy ở bên ngoài dẫn đến hiện tượng học sinh và phụ huynh phải tự nguyện một cách bắt buộc. Đó là vấn đề mà ngành GD&ĐT phải tìm cách quản lý”- PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT).
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/se-khong-con-xuat-hien-don-tu-nguyen-xin-hoc-them.html