Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn của tỉnh (GRDP) tăng 3,76%, Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,65% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 2,5% so với cùng kỳ.
Ngành gỗ, một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Bình Dương đã có những tín hiệu tích cực trở lại. Trong ảnh: Sản xuất gỗ tại Công ty Triệu Phú Lộc (Bắc Tân Uyên). Ảnh: TIỂU MY
Vẫn tăng trưởng trong khó khăn
Con số 2,5% tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo là sự nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp (DN), các cấp, các ngành trong tình hình kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm lại, chuỗi cung ứng tiếp tục suy yếu và xung đột kéo dài ở Ukraine.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương: Sở Công thương luôn theo dõi và có chính sách hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh trong quá trình sản xuất và phát triển, đặc biệt là các DN ngành gỗ – ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, luôn bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, chú trọng thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài cho ngành gỗ phát triển.
|
Nhìn lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay, có thể thấy sự nỗ lực cao độ để vượt qua khó khăn. Khó khăn nhất có thể kể đến là các ngành sản xuất mặt hàng gỗ, dệt may, da giày do chịu nhiều tác động tiêu cực của thị trường thế giới, tình hình xuất khẩu chậm lại. Tuy nhiên, các DN luôn nỗ lực duy trì sản xuất cùng với việc định vị lại giá trị chuỗi cung ứng hàng hóa, chuẩn bị điều kiện cần và đủ để tồn tại và lớn mạnh.
Theo ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương, các DN trong hiệp hội vẫn duy trì sản xuất, kết nối chia sẻ để cùng nhau vượt khó. Với nỗ lực không ngừng, những “vệt sáng” xuất hiện rõ nét hơn khi trong tháng 6 vừa qua, Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 3,2%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3% so với tháng trước.
Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết sở luôn theo dõi và có chính sách hỗ trợ các DN trên địa bàn tỉnh trong quá trình sản xuất và phát triển, đặc biệt là các DN ngành gỗ – ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh. Ngoài ra, luôn bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, có phản ứng kịp thời trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, chú trọng thực hiện các giải pháp bền vững, lâu dài cho ngành gỗ phát triển.
“Thông qua hội chợ Bifa Wood Vietnam 2023, Ban Tổ chức kỳ vọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung, hướng đến mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ đạt 20 tỷ đô la Mỹ vào năm 2025”, bà Nguyễn Thanh Hà nói.
Xây dựng kịch bản tăng trưởng phù hợp
Theo ông Nguyễn Liêm, tình hình khó khăn về sản xuất, xuất khẩu có thể sẽ kéo dài đến cuối năm 2023. Hiện sức mua của các thị trường lớn trên thế giới và thị trường trong nước đều giảm. Hầu hết các DN tại Bình Dương mong được hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh xúc tiến thương mại để kích cầu sức mua. Như vậy, DN giải phóng được lượng hàng tồn kho và có thêm những đơn đặt hàng mới. Bên cạnh đó, các DN cũng mong Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chính sách ưu đãi giảm lãi suất, gia hạn, giãn nợ để có thêm nguồn vốn đầu tư cho sản xuất, chờ cơ hội để phục hồi.
Doanh nghiệp tiếp cận máy móc, công nghệ mới để chuyển đổi quy trình sản xuất, chuyển đổi sản phẩm thông qua các hội chợ thương mại
Với ngành dệt may, các DN đã và đang chuyển đổi quy trình sản xuất, sản phẩm, thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng với thị trường. Đáng chú ý, một số DN đang có nhu cầu tuyển lao động phục vụ cho đơn hàng mới. Đơn cử, Công ty TNHH Yazaki EDS Việt Nam đã có văn bản gửi Liên đoàn Lao động tỉnh đề nghị hỗ trợ tuyển dụng 785 lao động phổ thông và được các ngành kết nối để tuyển đủ số lao động trên phục vụ nhu cầu sản xuất. Tín hiệu đó mở ra con đường sáng cho kịch bản tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và thời gian tiếp theo.
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung tổ chức tiếp xúc, làm việc trực tiếp với từng hiệp hội, DN, từng dự án để kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc. Nghiên cứu giải pháp khơi thông, kích cầu tiêu dùng góp phần tiêu thụ hàng hóa do DN trong tỉnh đang gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu. Tập trung điều tiết, bảo đảm ổn định nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt.
Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ mở rộng các khu công nghiệp và đầu tư mới các cụm công nghiệp theo quy hoạch; hoàn thiện chính sách di dời DN từ các địa phương phía nam lên các khu, cụm công nghiệp ở các địa phương phía bắc. Theo dõi chặt chẽ tình hình lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm để có phương án kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ người dân tìm kiếm việc làm, ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành sớm dự báo, nhận định tình hình những tháng cuối năm, quán triệt nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, thủ tục đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa… Đồng thời, xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế quý III và cả năm 2023 để có giải pháp phấn đấu hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đã đề ra.
Trong tháng 9-2023, hội chợ Bifa Wood Vietnam 2023 sẽ được tổ chức tại Bình Dương. Thông qua hội chợ, các DN có cơ hội tiếp cận với sản phẩm, công nghệ tiên tiến, nguồn cung cấp gỗ nguyên liệu đa dạng, phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu đến thị trường toàn cầu… Đây cũng là dịp để DN, người tiêu dùng trong nước có thể trực tiếp đánh giá, lựa chọn tại chỗ các sản phẩm, máy móc, thiết bị tiên tiến theo hướng tự động hóa của nhiều nhà sản xuất uy tín đến từ các nước, vùng lãnh thổ, như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc…
TIỂU MY