Trong dịp Tết, việc sử dụng rượu bia trong những bữa tiệc khi gia đình tụ họp, bạn bè gặp mặt gia tăng. Để tránh say rượu, các quý ông đang rỉ tai nhau một phương pháp “giải rượu ngay lập tức”.
Có thật ăn rau củ, nước ép giúp giải rượu?
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ cách giải rượu nhanh chóng bằng cách “ăn nhiều rau xanh, trái cây, uống nước ép giúp pha loãng nồng độ cồn ngay lập tức, nhanh tỉnh táo trở lại”.
Chia sẻ về phương pháp này, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam, cho rằng việc ăn rau xanh, trái cây hoặc uống nước ép sau khi uống rượu bia không có tác dụng giải rượu hay làm giảm nồng độ cồn trong máu ngay lập tức.
Tuy nhiên, dùng các thực phẩm này sẽ giúp phục hồi cho cơ thể và giảm cảm giác mệt mỏi nhờ bổ sung nước, vitamin và chất điện giải.
Bác sĩ Mạnh giải thích rằng thực tế không có phương pháp nào có thể loại bỏ hoàn toàn cồn khỏi cơ thể trong thời gian ngắn. Quá trình chuyển hóa và đào thải cồn phụ thuộc vào chức năng gan và tốc độ tự nhiên của cơ thể.
Do đó, các biện pháp ăn uống chỉ mang tính hỗ trợ, giúp giảm triệu chứng khó chịu sau khi uống rượu bia.
“Tác dụng của việc ăn rau xanh khi uống rượu là giúp cơ thể bù đắp lượng nước đã mất, đồng thời kích thích thận đào thải cồn qua nước tiểu”, bác sĩ Mạnh phân tích.
Theo bác sĩ Mạnh, một số loại đồ ăn, thức uống mà người uống rượu có thể tham khảo sử dụng là cam, quýt, bưởi, chanh (giàu vitamin C, giúp tăng cường chức năng gan và giảm căng thẳng oxy hóa do acetaldehyde gây ra); rau má, rau diếp cá, nước đậu xanh…
Lưu ý khi sử dụng rau quả sau uống rượu
Theo bác sĩ Mạnh, rau xanh, hoa quả, nước ép tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi dùng các thực phẩm này sau khi uống rượu cũng cần có những lưu ý nhất định.
Ví như người có bệnh lý dạ dày nếu kết hợp rượu bia với các loại trái cây giàu axit như cam, chanh, quýt có thể làm tổn thương thêm niêm mạc dạ dày, gây đau rát hoặc khó chịu.
Trong trường hợp này, nước dừa hoặc các loại nước lọc là lựa chọn an toàn.
Việc chuyển hóa rượu trong cơ thể cần phải có thời gian. Do đó, không nên uống một lượng lớn nước trong thời gian ngắn sau khi uống rượu. Nếu bổ sung nước quá nhanh có thể dẫn đến rối loạn điện giải, khiến cơ thể mệt mỏi hơn.
Bác sĩ Mạnh tư vấn khi uống nước trái cây, mọi người nên uống từ từ, từng ngụm nhỏ, và lắng nghe cơ thể để tránh gây áp lực cho thận.
Cách tốt nhất để bảo vệ cơ thể, bảo vệ gan là uống rượu bia có chừng mực và hiểu rõ giới hạn của bản thân. Không có một loại “thần dược” nào giúp giải rượu nhanh uống ngàn chén không say, bác sĩ Mạnh khuyến cáo.
Rượu hấp thụ vào cơ thể như thế nào?
Khi rượu, bia vào cơ thể, ethanol (cồn) nhanh chóng được hấp thụ qua niêm mạc dạ dày và ruột non, sau đó đi vào máu và được chuyển hóa chủ yếu tại gan.
Dưới tác động của các enzyme trong cơ thể, cồn sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde sau đó là acetic acid (axit axetic), rồi được phân hủy thành nước và CO2 để đào thải qua hơi thở, nước tiểu và mồ hôi.
Bác sĩ Mạnh cho hay nếu uống một lượng nhỏ rượu, gan có thể chuyển hóa kịp, không gây ra các triệu chứng mệt mỏi.
Tuy nhiên, khi uống quá nhiều rượu, gan không chuyển hóa kịp sẽ khiến cồn lưu lại trong máu, làm tăng nồng độ cồn trong máu (BAC). Đây chính là lý do khiến bạn cảm thấy say hoặc mệt mỏi khi uống quá nhiều rượu bia trong thời gian ngắn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/rau-qua-nuoc-ep-gi-co-the-giai-ruou-ngay-lap-tuc-20250124104439245.htm