Mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau nhíp” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) đã thực sự mở ra một hướng phát triển kinh tế ổn định. Loại rau rừng đặc sản này đã giúp tăng thu nhập cho nhiều gia đình trên địa bàn xã.
Xã Đồng Nai Thượng là một xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) với gần 100% người dân là đồng bào dân tộc Mạ và X’tiêng.
Đây cũng là một xã thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Cát Tiên, vì vậy, việc tạo sinh kế ổn định cho bà con gắn với công tác bảo vệ rừng luôn được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể xác định là nhiệm vụ song hành vừa để giúp bà con nâng cao thu nhập, vừa duy trì tốt tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn xã nói riêng và huyện Cát Tiên nói chung.
Trong hơn 5 năm trở lại đây, mô hình “Tổ phụ nữ trồng rau nhíp” của Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Nai Thượng đã thực sự mở ra một hướng phát triển kinh tế ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn xã và đây cũng là một mô hình góp phần làm giảm thiểu tác động vào rừng, đồng thời đem lại nhiều lợi ích thiết thực đối với đời sống và sản xuất của bà con.
Rau nhíp là một loại rau rừng mọc hoang dại trong rừng và từ bao đời nay, rau nhíp là món ăn thân thuộc được bà con dân tộc Mạ, X’tiêng hái về ăn hàng ngày.
Trên những vườn điều của bà con xã Đồng Nai Thượng, cây rau nhíp vẫn được mọc tự nhiên trong vườn, thông thường bà con sẽ hái ngọn non về ăn rồi sẽ phát quang cho vườn điều, còn khi nào muốn ăn rau nhíp thì lại vào rừng để tìm hái.

Chị Điểu Thị Viêm, nông dân trồng rau nhíp-rau rừng đặc sản ở xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) bên vườn rau nhíp trồng dưới tán cây điều của gia đình mình.
Trước thực tế đó, chị Ka Rẹ – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) nhận thấy, tại sao không vận động chị em hội viên giữ lại những cây rau nhíp mọc trong vườn điều lại.
Chị em phụ nữ trong xã Đồng Nai Thượng không phát bỏ loại rau rừng này nữa mà còn chăm sóc, bón phân để tạo thành vườn rau sạch giúp mỗi gia đình khi cần là có rau ăn, không phải đi xa vào rừng tìm hái nữa.
Vậy là, chị Ka Rẹ – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Nai Thượng đã cùng với các chị trong Ban chấp hành Hội Liên hiệp phụ nữ xã vận động chị em hội viên không phát bỏ các gốc rau nhíp trong vườn điều.
Đồng thời, Hội hỗ trợ phân bón, hướng dẫn gia đình cách chăm sóc vườn rau nhíp dưới tán điều để giúp gia đình vừa có thu hoạch từ cây điều, vừa có nguồn rau sạch để ăn.
Bên cạnh đó, các gia đình còn có thêm thu nhập từ việc hái rau nhíp bán cho các thương lái đưa xuống tiêu thụ ở các xã, thị trấn trong huyện vì đây là loại rau đã được rất nhiều người chuộng ăn.
Chị Điểu Thị Viêm ở thôn Bi Nao, xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) bày tỏ: “Trước đây bà con đều phát bỏ các cây rau nhíp mọc ở trong vườn rồi lại đi vào rừng hái rau nhíp về ăn.
Được các chị ở hội phụ nữ vận động và hướng dẫn thêm về cách chăm sóc để cây rau nhíp phát triển tốt nên hầu hết bà con đều giữ lại những cây rau nhíp ở trong vườn.
Chị em phụ nữ nhân rộng diện tích trồng rau đặc sản lên vì có rau ở trong vườn thì không cần phải đi xa nữa, rất tiện lợi và lại có thêm thu nhập hàng tháng.”
Từ cách làm hiệu quả này mà đến nay, hầu hết các chị em hội viên phụ nữ ở xã Đồng Nai Thượng đều giữ lại các cây rau nhíp trong vườn để chăm sóc và nhân rộng.
Nhiều chị em hội viên Hội Phụ nữ xã đã tạo được vườn rau nhíp dưới tán cây điều trên diện tích từ vài sào đến gần 2 hecta, giúp mỗi gia đình có thu nhập ổn định hàng tháng trên, dưới một triệu đồng.
Rau nhíp đặc sản được các thương lái mua từ 20.000 đến 50.000 đồng/kg, tùy theo mùa. Mùa mưa thì giá rau nhíp rẻ hơn mùa nắng, do cây đâm chồi nảy lộc nhiều, cho thu hoạch sản lượng vượt trội.

Phụ nữ xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên (tỉnh Lâm Đồng) thu hái rau nhíp. Từ một loại rau rừng mọc hoang dại trong rừng Cát Tiên, nay rau nhíp là rau đặc sản.
Điểm thuận lợi là cây rau nhíp phát triển rất tốt ở vùng đất đỏ bazan như ở xã Đồng Nai Thượng, cây rau rừng lại không bị sâu bệnh nên bà con chỉ cần bón thêm phân và cung cấp đủ độ ẩm là cây phát triển xanh tốt.
Chị Ka Rẹ – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đồng Nai Thượng (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: “Đến nay, chị em đều nhận thấy rõ lợi ích của vườn rau nhíp là phục vụ bữa ăn hàng ngày cho gia đình, vừa có thể có thêm thu nhập nếu thu hoạch được nhiều.
Hơn nữa giữ cây rau nhíp lại còn có tác dụng tránh xói mòn đất nên rất nhiều gia đình đã chủ động chăm sóc và nhân rộng vườn rau nhíp. Nhờ vậy, việc trồng loại rau rừng này cũng đã góp phần hạn chế việc bà con vào rừng tìm hái rau nhíp làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên.”
Cùng với các mô hình trồng trọt tạo thu nhập tốt như: trồng cà phê, điều cao sản, sầu riêng, bơ, cao su,…thì mô hình trồng rau nhíp đã cho thấy đây cũng là một mô hình sinh kế hiệu quả đối với nhiều nông hộ ở xã Đồng Nai Thượng.
Giá bán của rau nhíp luôn cao hơn rất nhiều loại rau phổ thông, rau thông thường và được rất nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt và giòn của rau.
Không chỉ chăm sóc cho các cây rau nhíp lan rộng và ra nhiều lá non mà hiện nay, nhiều hộ ở xã Đồng Nai Thượng đã tiến hành tỉa nhánh để đem trồng thêm nhằm nhân rộng vườn rau nhíp.
Nguồn: https://danviet.vn/rau-nhip-la-rau-rung-dac-san-o-lam-dong-ngot-nhu-mi-chinh-dan-trong-thanh-cong-ban-nhu-tom-tuoi-20250221163403406.htm