Theo Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản có nghĩa vụ lưu giữ, cung cấp thông tin về kết quả thăm dò bổ sung, thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản và khai thác khoáng sản; lắp đặt trạm cân hoặc thiết bị đo lường hoặc phương pháp khác để xác định, kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế trước khi vận chuyển ra khỏi khu vực thực hiện dự án khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan.
Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản đã sửa đổi, bổ sung các nội dung cho phù hợp với thực tiễn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong thời gian qua khi thi hành các quy định về khai thác khoáng sản liên quan đến trình tự, thủ tục hành chính về khai thác khoáng sản; quy định rõ về thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại.
Không chỉ quy định trong Dự thảo Luật, thời gian qua, Bộ TN&MT đã đề nghị các địa phương kiểm tra bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông và việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát khối lượng cát, sỏi mua – bán tại bến bãi trước thực trạng xuất hiện tình trạng kê khai không trung thực sản lượng khoáng sản thực tế khai thác.
Để chấn chỉnh tình trạng trên, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản, đảm bảo cung cấp vật liệu san lấp cho các công trình trọng điểm đang triển khai, Bộ TN&MT đã đề nghị các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt các nội dung của Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông.
Trong đó, Bộ TN&MT đề nghị tập trung kiểm tra, rà soát về việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; kiểm tra về yêu cầu đối với bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, việc lắp đặt trạm cân, camera để giám sát khối lượng cát, sỏi mua – bán tại bến bãi; yêu cầu về phương tiện vận chuyển cát, sỏi trên sông; về yêu cầu đối với hoạt động kinh doanh và sử dụng cát, sỏi lòng sông, việc tuân thủ các quy định về đảm bảo nguồn gốc hợp pháp của khoáng sản được sử dụng trong các công trình.
Đồng thời, kiểm tra, giám sát về thời gian được phép khai thác, việc thực hiện các quy định pháp luật trong báo cáo đánh giá tác động của hoạt động khai thác đến việc bảo đảm sự ổn định của bờ sông, các vùng đất ven sông; bảo đảm sự lưu thông dòng chảy, khả năng tiêu, thoát lũ, xói lòng dẫn, xói lở bờ, bãi sông, suy giảm mực nước sông trong mùa cạn, bảo tồn các hệ sinh thái liên quan.
Ngoài ra, kiểm tra, giám sát việc thống kê, kiểm kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế theo hướng dẫn tại Thông tư số 17/2020/TTBTNMT ngày 24/12/2020 của Bộ TN&MT; bố trí điều phối sản lượng khoáng sản khai thác cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về phía các địa phương, tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu các mỏ khoáng sản phải thực hiện việc lắp camera, trạm cân tại mỏ khoáng sản. Tỉnh Quảng Ngãi sẽ đình chỉ, yêu cầu dừng hoạt động và không xem xét gia hạn Giấy phép khai thác khoáng sản đối với những mỏ khoáng sản không hoàn thành việc lắp đặt trạm cân, camera giám sát tại khu vực khai thác.
Tại Thanh Hóa, ngày 10/11/2023, UBND tỉnh đã có Công văn gửi Sở TN&MT đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm việc lắp trạm cân, camera tại các mỏ khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nội dung: Đối với các mỏ chưa lắp đặt trạm cân, camera, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở TN&MT trực tiếp làm việc với các chủ mỏ để yêu cầu các đơn vị thực hiện việc lắp đặt trạm cân, camera theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý đối với các mỏ cố tình không lắp trạm cân và camera theo quy định.
Không chỉ trong thời gian gần đây, khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều mỏ khoáng sản tại địa phương hoạt động nhiều năm nhưng không lắp trạm cân, camera theo luật định, mà trước đó, quy định về lắp đặt các thiết bị này đã được một số địa phương chú trọng thực hiện. Điển hình, năm 2019, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai đã có Văn bản yêu cầu các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt trạm cân và
camera giám sát tại các mỏ khai thác khoáng sản đã được UBND tỉnh cấp phép hoạt động.
Theo đó, Sở TN&MT tỉnh Gia Lai yêu cầu doanh nghiệp lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác và lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin số liệu liên quan. Định kỳ hàng tháng, phải thống kê, tính toán, cập nhập số liệu trong sổ sách, tài liệu để khai báo sản lượng tính thuế tài nguyên khoáng sản và xác định sản lượng khai thác hàng năm trong báo cáo định kỳ khai thác khoáng sản để gửi Cơ quan Thuế theo quy định.
Có thể thấy, quy định đã rõ ràng, điều quan trọng là các địa phương có thực thi đầy đủ và các doanh nghiệp có nghiêm túc chấp hành hay không. Đây cũng là mong muốn của đơn vị chủ trì xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản khi đưa quy định về lắp đặt trạm cân hoặc thiết bị đo lường để kiểm soát sản lượng khoáng sản khai thác thực tế vào Luật.